Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng cho thị trường nhà ở cuối năm
Dự báo thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam 3 tháng cuối năm 2024 sẽ có chuyển biến tích cực hơn, với nguồn cung mới cải thiện đáng kể so với quý 3/2024. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng cùng tỷ lệ hấp thụ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố để tạo nên kịch bản lý tưởng, hoặc kỳ vọng, thách thức cho thị trường…
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI), thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam quý 3/2024 đã ghi nhận nguồn cung sụt giảm, giá tăng nhẹ và có sự cải thiện về tỷ lệ hấp thụ bất động sản.
Cụ thể trong quý 3/2024, chỉ riêng khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận là tăng 13% theo quý, còn tổng nguồn cung mới bất động sản nhà ở có sự giảm nhẹ ở khu vực miền Trung, TP.HCM và các tỉnh lân cận, miền Tây. Nguyên nhân do các chủ đầu tư hạn chế ra hàng thời gian tháng Ngâu, và việc điều chỉnh điều kiện nhằm đáp ứng quy định của các bộ Luật mới cũng tác động đến kế hoạch ra hàng của chủ đầu tư.
Mặc dù vậy, tỷ lệ hấp thụ chung trên tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường lại cải thiện khá so với cuối quý 2/2024. Đơn cử, khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận tăng 15-25%; khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận tăng 15-25%. Ngoài ra, về giá bán sơ cấp cũng tiếp tục duy trì đà tăng từ 5 - 10% ở loại hình căn hộ và bắt đầu mở rộng ra một số loại hình khác nhưng chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở những vùng thị trường chính tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và đô thị vệ tinh xung quanh. Còn giá bán thứ cấp, tình trạng bán cắt lỗ giảm, bắt đầu xuất hiện sự chênh lệch giá bán ở loại hình căn hộ từ 10 - 20%.
Dự báo thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam 3 tháng cuối năm 2024, đơn vị nhận định sẽ có chuyển biến tích cực hơn, với nguồn cung mới được cải thiện đáng kể so với quý 3/2024. Song, mức độ tăng trưởng cùng tỷ lệ hấp thụ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố để tạo nên ba kịch bản khác nhau.
Trong đó, với kịch bản lý tưởng: nguồn cung mới tăng mạnh 40% - 50%, lãi suất thả nổi ở mức 8% - 9%, giá bán tăng 10-15% và tỷ lệ hấp thụ đạt 40-45%. Đây là kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng vào sự phục hồi sớm của thị trường;
Kịch bản kỳ vọng: nguồn cung mới tăng 25-35%, lãi suất thả nổi ở mức 9-11%, giá bán tăng 5-10% và tỷ lệ hấp thụ đạt 35-40%. Đây là kịch bản khả thi nhất, phản ánh sự tăng trưởng được cải thiện tích cực hơn của thị trường;
Kịch bản thách thức: nguồn cung mới tăng 10% - 20%, lãi suất thả nổi lên tới 10-12%, giá bán tăng 3-5% và tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 20-25%. Đây là kịch bản cẩn trọng nhất, là dấu chỉ của việc thị trường đi vào chu kỳ hồi phục chậm.