Dự kiến có thêm nhà cung cấp dịch vụ khi mở rộng thu phí tự động tại sân bay, bãi đỗ xe

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Bộ Giao thông vận tải đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, bãi đỗ xe, đỗ xe lòng đường… Khi đó sẽ có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, thay vì VETC và VDTC như trước...

Có nhiều dịch vụ sẽ không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải như: thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường...
Có nhiều dịch vụ sẽ không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải như: thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường...

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Dự thảo quy định cụ thể các chính sách xây dựng hệ thống thanh toán điện tử giao thông đường bộ trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng và dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2024. 

95% GIAO DỊCH ĐƯỢC TRẢ PHÍ TỰ ĐỘNG

Tổng kết triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải cho biết đến nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc đã hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào hoạt động đồng bộ đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Các trạm thu phí đường bộ trên tuyến quốc lộ đã áp dụng thu phí không dừng tại toàn bộ các làn thu phí, chỉ duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp/01 chiều xe chạy. Tại các tuyến cao tốc tổ chức thu phí không dừng hoàn toàn.

 

"Số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng chiếm tới 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc. Theo thống kê, tử khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng".

Bộ Giao thông vận tải.

Đến ngày 30/6/2024, toàn bộ 162 trạm thu phí trên toàn quốc (gồm 72 trạm thu phí do Bộ Giao thông vận tải quản lý; 61 trạm thu phí do địa phương quản lý và 29 trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC quản lý) đủ điều kiện triển khai với tổng số 925 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng. 

Trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, các nhà cung cấp dịch vụ không ngừng hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng.

Với kênh nạp tiền thuận tiện, đa dạng (nạp tiền trực tiếp tại điểm giao dịch, thông qua hệ thống tin nhắn, phần mềm dịch vụ, ví điện tử, kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông với tài khoản ngân hàng của người sử dụng...) và hệ thống điểm dịch vụ chăm sóc khách hàng trải rộng trên toàn quốc, đến thời điểm này dịch vụ thu phí không dừng đã trở thành quen thuộc đối với chủ các phương tiện tham gia giao thông.

Số lượng các phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ đạt trên 96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước, tương ứng gần 5,7 triệu phương tiện đã dán thẻ tham gia dịch vụ.

Hệ thống thu phí không dừng tại nước ta hiện nay gồm thiết bị đầu đọc RFID Reader (Radio frequency identification).

Để triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc, Bộ Giao thông vận tải đã hình thành 2 dự án theo 2 giai đoạn.

Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (gọi tắt là dự án BOO1). Nhà đầu tư là liên danh TASCO-VETC. Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC).

Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng, giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng BOO (gọi tắt là dự án BOO2). Nhà đầu tư là liên danh Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ Hạ tầng Vietin (VietinF), Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD). Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (Công ty VDTC).

KHÔNG BÓ HẸP THANH TOÁN PHÍ DỊCH VỤ ĐƯỜNG BỘ

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng hệ thống thu phí điện tử không dừng mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông và hiệu quả đầu tư của hệ thống.

“Trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh đang thịnh hành trên thế giới, nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến đề xuất việc mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đầu tư như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định”, Bộ Giao thông vận tải dẫn chứng.

Việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí điện tử không dừng sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư của các dự án thu phí điện tử không dừng.

Chỉ rõ lợi ích khi mở rộng các dịch vụ mới, Bộ Giao thông vận tải cho rằng thứ nhất, người dân, chủ phương tiện giao thông chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ, qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện giao thông, tiết kiệm chi phí.

Thứ hai, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông tỉnh hiện còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu tại các nhà ga, bến cảng, sân bay, bãi đỗ xe...

Thứ ba, tận dụng nền tảng, hệ thống thu phí điện từ không dưng sẵn có mà không phải đầu tư mới một số hệ thống tương tự, tiết kiệm cho người dân, chi phí xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả của các dự án thu phí điện tử không dùng.

Thứ tư, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.

HẠN CHẾ ĐỘC QUYỀN TRONG CUNG CẤP DỊCH VỤ THANH TOÁN ĐIỆN TỬ

Nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ 2024 vừa được Quốc hội ban hành với mục tiêu mở rộng phạm vi sử dụng dịch vụ hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định.

Đồng thời, mở rộng các hình thức thanh toán để tạo thuận lợi cho chủ phương tiện và tăng sự cạnh tranh cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, tăng sự cạnh tranh cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, vận hành hệ thống điểm thu.

Trên thực tế có 2 đơn vị là Công ty TNHH thu phí tự động VETC (Công ty VETC) và Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (Công ty VDTC) là 2 doanh nghiệp dự án BOO được Bộ Giao thông vận tải lựa chọn để cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc.

"Nếu quy định nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên cơ sở giữ nguyên quy định về nhà cung cấp dịch vụ thu phí thì sẽ không phù hợp với sự mở rộng dịch vụ trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng", Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ bất cập. 

Mặt khác, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí hiện nay chỉ cung cấp dịch theo phạm vi của dự án BOO do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền, khi bổ sung dịch vụ sẽ phải điều chỉnh dự án.

Đồng thời, có nhiều dịch vụ sẽ không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường. Do đó, nếu bổ sung tất cả các dịch vụ này sẽ vượt quá thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải. 

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 02 phương án nhằm tăng sự cạnh tranh cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.

Phương án 1 quy định nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên cơ sở giữ nguyên quy định về nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, cho phép nhà cung cấp dịch vụ thu phí mở rộng tất cả các dịch vụ trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Phương án 2 quy định 2 hình thức nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử: (1) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên cơ sở kế thừa quy định về nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, cho phép cung cấp thêm một số dịch vụ trên cơ sở được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận; (2) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ là đơn vị mới, chỉ cung cấp các dịch vụ không do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Từ những phân tích, so sánh tác động của từng giải pháp cho thấy giải pháp tối ưu là lựa chọn phương án 2, đảm bảo được tính kế thừa quy định của Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, hạn chế được sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, phân định rõ phạm vi quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con