Du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ "thắng lớn" dịp Tết
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ thời tiết thuận lợi nên hoạt động du lịch diễn ra sôi động, thu hút hàng vạn người dân cũng như du khách từ khắp nơi...
Tại Nghệ An, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024, các điểm du lịch, khu di tích, khu văn hóa tâm linh trên toàn tỉnh Nghệ An đón khoảng 315.000 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 400 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý có Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) đón gần 40.000 lượt khách, đền ông Hoàng Mười đón trên 33.000 lượt khách. Nhiều điểm du lịch khác đón khá đông khách đến tham quan như đền Cờn, chùa Đại Tuệ, đền Quang Trung, khu du lịch Hòn Mát...
Tại Hà Tĩnh, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh này đã đón 188.508 lượt khách tham quan, tăng hơn 41.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 10.500 lượt khách lưu trú; công suất sử dụng phòng trung bình trên toàn tỉnh đạt khoảng 40%. Một số địa phương thu hút lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng lớn như: Thị xã Kỳ Anh gần 68.000 lượt; huyện Nghi Xuân trên 46.000 lượt; huyện Can Lộc gần 29.000 lượt…
Nhiều khu, điểm du lịch có lượng du khách tham quan đông như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; chùa Hương Tích (huyện Can Lộc) trung bình đón từ 3.000 - 5.000 lượt khách/ngày; đền Chợ Củi đón khoảng 5.000 lượt khách/ngày.
Tại Quảng Bình, theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Bình, tổng số khách du lịch trên địa bàn tỉnh này từ ngày 08/02 đến 14/02/2024 dự ước đạt khoảng 115.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 3.000 lượt, tăng 20% so với dịp nghỉ Tết Quý Mão 2023 (2.500 lượt khách).
Hầu hết các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và nhiều nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết, các sản phẩm du lịch khám phá mạo hiểm cũng tổ chức các tour du lịch khai niên phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Những điểm đến chính của khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán phần đa là các di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch tâm linh như Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chùa Hoằng Phúc, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chùa Đại Giác, Núi Thần Đinh…
Lượng lớn du khách chủ yếu là khách tham quan nội tỉnh, khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng... Khách đi theo hình thức gia đình, nhóm nhỏ đến với Quảng trường Hồ Chí Minh, Bảo tàng tổng hợp, Quảng trường biển Bảo Ninh, động Phong Nha, động Thiên Đường… và các điểm du lịch cộng đồng cũng tăng đáng kể.
Tại Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết, tổng lượng khách ước tính trong 7 ngày (từ ngày 7/2 đến 13/2, tức là từ ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024) ước đạt hơn 155.000 lượt khách, tăng hơn 24% so với tết Quý Mão 2023, chủ yếu khách tham quan.
Trong đó, khách quốc tế hơn 7.300 lượt khách, phần lớn xuất và nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay. Khách quốc tế phần lớn đến thăm các di tích như: địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị; Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang…
Tết này, huyện Hướng Hóa là địa phương đón lượng du khách nhiều nhất tỉnh Quảng Trị. Tại địa điểm đặt linh vật rồng ở thị trấn Lao Bảo thu hút hơn 120.000 lượt khách đến chụp hình. Ngoài ra, Hướng Hóa còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác.
Tại Thừa Thiên Huế, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 7/2 đến ngày 15/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), ước có khoảng 102.000 lượt khách đến tham quan, du lịch tại địa phương này.
Lượng khách du lịch tăng 20% so với cùng kỳ dịp Tết năm 2023, doanh thu từ du lịch ước đạt 160 tỷ đồng, tăng 4,82% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Trước đó, để tạo điều kiện cho người dân, du khách trong nước tham quan, du xuân, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mở cửa miễn vé tham quan tại các điểm di tích do đơn vị này quản lý.
Theo đó, trong khoảng thời gian nói trên, các điểm di tích đã đón 104.682 lượt khách vào thăm, trong đó có 12.682 khách quốc tế và 92.447 khách nội địa.
Riêng trong ngày mùng 3 Tết là ngày cao điểm nhất, đã đón 49.012 lượt (4.355 lượt khách quốc tế và 44.657 lượt khách nội địa và người địa phương). Ngày 13/2, các điểm di tích bán vé trở lại, cũng đã có 16.764 lượt khách vào tham quan (4.117 lượt khách quốc tế và 12.647 lượt khách nội địa).
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khoảng thời gian du Xuân, tham quan tại địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các du khách đánh giá cao những chương trình có tính tương tác, trải nghiệm văn hóa truyền thống chào đón du khách đến Huế; trong đó có một số hình thức vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống; các hoạt động đón Xuân của vùng đất Cố đô Huế đáp ứng nhu cầu khách du lịch và cộng đồng địa phương.