Đứt gãy chuỗi cung ứng, 35% số doanh nghiệp "ngậm ngùi" tạm đóng cửa

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Trên 35% tổng số doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng. Hết ách tắc lưu thông hàng hoá khi hàng loạt địa phương ban hành văn bản trái chỉ đạo của Thủ tướng như Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bạc Liêu…., lại đến Hà Nội khiến người dân “chật vật” vì xin phép giấy đi đường...

Đứt gãy chuỗi cung ứng không còn là nguy cơ.
Đứt gãy chuỗi cung ứng không còn là nguy cơ.

Theo báo cáo “Tình hình doanh nghiệp & người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) mới công bố, lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất, là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này chiếm tới 35,4%. Dịch vụ vận tải, logistics, “xương sống” của chuỗi cung ứng gặp nhiều ách tắc, mong manh dễ vỡ hơn bao giờ hết.

Nguồn: Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.
Nguồn: Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

DOANH NGHIỆP "RỐI NHƯ TƠ VÒ"

Hoạt động trong ngành dệt may, Tổng Công ty cổ phần May 10 hiện có đến 12.000 cán bộ công nhân viên, phủ rộng trên 7 tỉnh thành phố, trong đó, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 16+, Hà Nội lại đang áp dụng Chỉ thị 15, 15+.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 quan ngại vì mỗi địa phương vận dụng Chỉ thị rất khác nhau. “Câu chuyện cấp giấy đi đường là quá khó. 4 ngày vừa qua là thời điểm căng thẳng nhất, doanh nghiệp không biết lối nào mà lần. Chúng tôi rất lo lắng vì người lao động không thể đi làm được”, ông Việt than thở.

Thậm chí, “trong đợt cấp giấy phép đi đường mới, lãnh đạo địa phương cho biết chưa biết cấp như thế nào, không rõ “dấu cộng” trong các Chỉ thị được hiểu như thế nào”, ông Việt thẳng thắn chỉ rõ,

Hiện May 10 Hà Nội có khoảng 2.000 cán bộ công nhân viên, tiếp tục chia vùng xanh, cam, đỏ để giãn cách thêm 15 ngày nữa. “Trong nội vùng không cần giấy đi đường, nhưng người lao động ở vùng đỏ, hàng ngày sang vùng cam, vùng xanh đi làm, thì cấp giấy đi đường như thế nào. Hiện nay, Hà Nội đã gỡ rối bằng cách cho phép sử dụng giấy đi đường cũ”, ông Việt cho biết.

Nhưng tại Quảng Bình lại khác, từ ngày 27/8 sau khi xuất hiện một số điểm dịch mới, tỉnh đã chính thức đóng cửa toàn bộ, bất luận trong trường hợp nào, doanh nghiệp cũng không được sản xuất. Hơn 1.000 lao động May 10 tại Quảng Bình không thể đi làm trong vòng 12 ngày qua.

 
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10.

"Xe qua các chốt bị kiểm tra giấy tờ, gây ách tắc hàng hoá. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp phải gánh chi phí phòng chống dịch tăng cao, chi phí “ba tại chỗ”, chi phí xét nghiệm, test nhanh cho người lao động khoảng một tuần một lần, để đảm bảo vùng xanh doanh nghiệp, là rất khủng khiếp".

Đối với lực lượng lái xe tải nội bộ của công ty, Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ, lái xe phải xét nghiệm thường xuyên, khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Chẳng hạn, xe tải 5 tạ chở hàng đi Nam Định, chỉ mất 500.000 đồng nhưng chi phí xét nghiệm đã “ngốn” mất 750.000 đồng.

Ngoài ra, “có những câu chuyện rất hài hước, lãnh đạo địa phương nói không cấm doanh nghiệp, vẫn cho phép doanh nghiệp hoạt động bình thường. Nhưng sự thật, doanh nghiệp được hoạt động nhưng những công nhân của doanh nghiệp bị xã, phường, thôn yêu cầu ai ở đâu, ở yên đó, không cho đi làm”, ông Việt xót xa.

Báo cáo do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân mới công bố phân tích, do việc thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn.

Các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau, điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương, địa bàn hiểu một kiểu.

Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông “trừ hàng cấm” thì các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn. Điều này còn làm gia tăng chi phí vận chuyển vì thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, bao gồm chi phí xét nghiệm của lái xe.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt các tác nhân chực chờ bẻ gãy chuỗi cung ứng khi tình trạng cảng biển trên toàn cầu trong tình trạng tắc nghẽn, thiếu container rỗng, giá cước dự báo tiếp tục biến động...

CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẦN LIÊN KẾT, TRÁNH "NGĂN SÔNG CẤM CHỢ"

Vấn đề lưu thông nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa thành phẩm hết sức khó khăn ngay trên lãnh thổ Việt Nam liên tục bị phản ánh trong thời gian qua, khiến đồng loạt các hiệp hội và doanh nghiệp gửi văn bản khẩn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành. Liên Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Tài chính phải vào cuộc để tháo gỡ khó khăn lưu thông.

Đề xuất gỡ rối cho vấn đề di chuyển và lưu thông hàng hoá, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho hay, các doanh nghiệp mong muốn được cấp, sử dụng thống nhất mã QR trong quản lý đi lại, vận chuyển trên toàn quốc thay vì mỗi tỉnh, thành lại phát sinh các loại hình giấy phép khác nhau như hiện nay và không có giá trị sử dụng khi di chuyển liên tỉnh.

 
"Hỗ trợ tối đa cho hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu. Các địa phương cần liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau tránh việc “ngăn sông cấm chợ cục bộ”.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

“Tạo điều kiện tối đa cho lưu thông hàng hoá và các hoạt động thiết yếu khác để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Cấp phép cho phương tiện của doanh nghiệp hoạt động mà không để doanh nghiệp mất tiền bôi trơn khi xin cấp phép”, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh.

Đối với người lao động, giấy đi đường bản giấy đang khiến các công ty đình trệ sản xuất, giao thương khó khăn dẫn đến giá cả tăng, hàng hóa thiếu hụt, không cân bằng giữa các khu vực. Nguồn dữ liệu về nhân sự được cấp thẻ, mã phải đồng bộ giữa các chốt, trạm, điểm kiểm soát. Nên ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Nới lỏng giãn cách dần bằng cách quản lý bằng mã QR cho mỗi người dân khỏe mạnh tham gia lao động, sản xuất…

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến do Bộ Giao thông vận tải với các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, liên quan đến việc cấp giấy đi đường, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài. Đồng thời, không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Ông Trần Duy Đông đề nghị Sở Giao thông vận tải các địa phương tham mưu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn các của địa phương mình, không trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, “Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế nghiên cứu tiêm đủ vaccine cho các đối tượng theo kế hoạch. Cần có chính sách đối với những người tiêm đủ hai liều vaccine. Đồng thời, thống nhất phần mềm quản lý khai báo sức khỏe, tiêm vaccine, quản lý tự động việc di chuyển”, ông Đông chỉ rõ.

Trước tình trạng trên, để hàng hoá lưu thông thông suốt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị, các địa phương tiếp tục rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, nhưng phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo rộng rãi về việc cấp mã QR, triển khai phần mềm tự động cấp mã QR, khắc phục tình trạng tiêu cực.

Đồng thời, phải giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc trong vận chuyển hàng hóa, ưu tiên đặc biệt cho hàng nông sản. Các địa phương có vận tải thủy, đường biển, cảng biển nếu có tình trạng ùn ứ thì phải khắc phục ngay, cần thiết báo cáo Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo, xử lý.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con