Duyệt quy hoạch chi tiết Đại học Bách Khoa Hà Nội
Quy hoạch Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành “Trung tâm nghiên cứu, sáng tạo công nghệ, hợp tác và đào tạo chất lượng cao”, dự kiến sẽ gồm 5 khu chức năng chính với quy mô đào tạo 12.000 sinh viên; mật độ xây dựng tối đa 40%; tầng cao từ 1 - 24 tầng…
UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Đại học Bách Khoa Hà Nội tại địa điểm số 1 đường Đại Cồ Việt, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng…
Theo thông tin công bố, phạm vi nghiên cứu có phía Bắc giáp đường Đại Cồ Việt, ngõ 30 phố Tạ Quang Bửu và khu đất của các tổ chức cá nhân phường Bách Khoa; phía Tây giáp đường Giải Phóng; phía Đông giáp khu đất của các tổ chức, cá nhân thuộc phường Bách Khoa và phường Cầu Dền; phía Nam giáp Trường đại học Xây dựng và khu đất của các tổ chức, cá nhân thuộc phường Bách Khoa; với quy mô lập quy hoạch khoảng 26,54ha.
Về tính chất, quy hoạch Đại học Bách khoa Hà Nội để trở thành “Trung tâm nghiên cứu, sáng tạo công nghệ, hợp tác và đào tạo chất lượng cao”. Dự kiến sẽ gồm 5 khu chức năng chính: khu Hiệu bộ, giảng đường nghiên cứu đào tạo và văn phòng các khoa, viện (Khu A); khu Hợp tác phát triển khóa học, nghiên cứu sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Khu B); khu Giáo dục bổ trợ và hạ tầng xã hội (Khu C); khu Dịch vụ công cộng và phục vụ tiện ích (Khu D) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Quy mô đào tạo khoảng 12.000 sinh viên; chỉ tiêu 20m2/sinh viên;
Với định hướng trên, mật độ xây dựng tối đa 40%; hệ số sử dụng đất khoảng 3 lần; tỷ lệ đất trồng cây xanh đạt tối thiểu 30%; tầng cao từ 1 - 24 tầng. Cụ thể: tầng cao đặc trưng 5 - 7 tầng; tại ô đất có chiều rộng từ 7m trở lên, chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ từ 16m trở lên và nằm tiếp giáp các tuyến đường có mặt cắt ngang từ 13m trở lên, cho phép xây dựng công trình cao tối đa 8 tầng/30m; tại ô đất tiếp giáp với đường Đại Cồ Việt và đường Giải Phóng được phép cao tối đa 24 tầng.
Để đạt hiệu quả, các nội dung yêu cầu của quy hoạch gồm: phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, thực trạng các công trình kiến trúc, cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tổng hợp hiện trạng sinh viên, giảng viên... hiện nay và nhu cầu phát triển để làm cơ sở đánh giá, đề xuất phương án quy hoạch; các quy định theo định hưởng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị có liên quan đến khu đất lập quy hoạch chi tiết. Rà soát một số công trình có giá trị cần bảo tồn, chỉnh trang trong quần thể công trình các công trình kiến trúc tại khu đất của Đại học.