Facebook bị kiện đòi bồi thường 150 tỷ USD liên quan tới bạo lực ở Myanmar

Hoài Thu
Chia sẻ

Những người Rohingya tị nạn đang kiện Facebook liên quan tới việc mạng xã hội này thừa nhận thất bại trong việc ngăn chặn sự lan truyền của những đăng tải thù địch, góp phần gây tình trạng bạo lực ở Myanmar. Rohingya là nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, không có quốc tịch, sống ở bang Rakhine, Myanmar…

Người biểu tình chống lại Facebook - Ảnh: AP
Người biểu tình chống lại Facebook - Ảnh: AP

Đầu tuần này, các công ty luật tại Mỹ và Anh đã khởi động một chiến dịch pháp lý chống lại Meta – công ty mẹ của Facebook – với cáo buộc lãnh đạo của công ty này biết rõ về những bài đăng và tài khoản chống lại người Rohingya trên nền tảng của mình nhưng không có hành động đáng kể để kiểm soát.

Theo trang web được thành lập riêng cho chiến dịch này, đơn kiện của công ty luật ở Mỹ đại diện cho những người Rohingya đang sống tại nước này, còn đơn kiện từ công ty luật ở Anh đại diện cho những người sống bên ngoài nước Mỹ. Tổng chung lại, các đơn kiện này đại diện cho người Rohingya trên khắp thế giới, bao gồm cả những người đang sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh.

ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ÍT NHẤT 150 TỶ USD

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, công ty luật Edelson của Mỹ cho biết đã đâm đơn kiện tập thể chống lại Meta tại bang California. Theo bản sao đơn kiện mà CNN có được, các nguyên đơn đang đòi bồi thường thiệt hại hơn 150 tỷ USD, bên cạnh các khoản bồi thường thiệt hại do tòa án quyết định.

Trong một lá thư gửi đến văn phòng của Facebook tại London ngày 6/12, hãng luật McCue Jury & Partners cho biết công ty đã phối hợp với các đối tác ở Mỹ khởi động một "chiến dịch pháp lý xuyên Đại Tây Dương để đòi công lý cho người Rohingya”.

Hơn 740.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh do bạo lực nhắm vào nhóm người này tại Myanmar - Ảnh: AP
Hơn 740.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh do bạo lực nhắm vào nhóm người này tại Myanmar - Ảnh: AP

"Khách hàng của chúng tôi có ý định khởi kiện Facebook chi nhánh tại Anhh lên Tòa án tối cao vì những hành vi và thiếu sót của họ đã góp phần gây ra thiệt hại nghiêm trọng, đôi khi gây tử vong cho khách hàng của chúng tôi và các thành viên gia đình của họ", McCue Jury & Partner viết trong lá thư được đăng tải trên trang web của chiến dịch.

"Những người yêu cầu bồi thường trong cả hai đơn kiện đều muốn giấu tên do lo sợ bị trả thù”, Mishcon de Reya, một trong những công ty luật của Anh phụ trách đơn kiện ở Anh, cho biết.

Các đơn kiện cáo buộc Facebook sử dụng thuật toán "làm lan truyền những phát ngôn thù địch chống lại người Rohingya trên nền tảng của mình", và "không gỡ bỏ các bài đăng cụ thể kích động bạo lực chống lại hoặc chứa phát ngôn thù địch nhắm vào người Rohingya", hãng luật Mishcon de Reya cho biết trong một thông cáo.

Ngoài ra, Facebook cũng bị cáo buộc “không chặn các tài khoản cụ thể hoặc xóa các nhóm hoặc trang cụ thể được dùng để tuyên truyền phát ngôn thù địch và/hoặc kích động bạo lực”.

RÀO CẢN TẠI MỸ

Trong khi đó, đơn kiện tại Mỹ - lần đầu tiên được đệ trình - sẽ phải vượt qua nhiều rào cản để được đưa ra xét xử hoặc phán quyết, chứ chưa nói tới việc đạt được một phát quyết có lợi, theo giáo sư Josh Davis của Trường luật thuộc Đại học San Francisco, người có kinh nghiệm với các vụ kiện tập thể và vụ án phức tạp.

“Để một đơn kiện được thẩm phán xác nhận là một vụ kiện tập thể, các nguyên đơn liên quan phải gặp những vấn đề lớn chung và rất khó để có bằng chứng để xác định rằng hành vi của Facebook gây hại cho từng thành viên trong nhóm kiện tập thể”, ông Davis phân tích.

Sau khi đổi tên công ty mẹ thành Meta, những rắc rối pháp lý vẫn bủa vây Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới với gần 3 tỷ người dùng - Ảnh: CNN
Sau khi đổi tên công ty mẹ thành Meta, những rắc rối pháp lý vẫn bủa vây Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới với gần 3 tỷ người dùng - Ảnh: CNN

Cũng theo ông, lập trường pháp lý trong vụ kiện ở Mỹ cũng có thể gặp khó. Đơn kiện này cho rằng Facebook phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình và sơ suất khi không giải quyết được các khiếm khuyến trên nền tảng của mình – điều mà các nguyên đơn khẳng định đã góp phần gây ra bạo lực chống lại người Rohingya. Tại Mỹ, Facebook thường không phải chịu trách nhiệm pháp lý như vậy theo Mục 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act). Tuy nhiên, đơn kiện lại yêu cầu tòa án áp dụng luật của Myanmar bởi luật này không có các điều khoản bảo vệ công ty truyền thông như vậy.

Theo ông Davis, các tòa án tại Mỹ thường miễn cưỡng thụ lý những vụ kiện như vậy. Ông cũng cho rằng việc chứng minh hành động của Facebook gây hại cho người Rohingya có thể cũng khá khó khăn.

"Ở góc độ pháp lý, đây là một vụ kiện thực sự khó”, giáo sư luật này nhận xét.

FACEBOOK ĐÃ BIẾN THÀNH "CON THÚ"?

Người Rohingya là nhóm thiểu số Hồi giáo không quốc tịch sống ở bang Rakhine, Myanmar, được cho là gồm khoảng 1 triệu người. Myanmar không coi họ là công dân và không công nhận là một nhóm dân tộc của nước này.

Trong năm 2016 và 2017, quân đội Myanmar đã phát động một chiến dịch giết phá khiến hơn 740.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh, dẫn đến một vụ án diệt chủng đã được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế. Năm 2019, Liên hợp quốc cho biết "sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" của quân đội vẫn đang tiếp diễn ở các bang Rakhine, Chin, Shan, Kachin và Karen. Một ủy ban tìm kiếm sự thật của Liên hợp quốc đã gọi hành vi bạo lực trên là "ví dụ về cuộc thanh trừng sắc tộc”. 

Đơn kiện nói trên tại Mỹ đề cập tới những cáo buộc của Frances Haugen, một cựu nhân viên Facebook, người gần đây đã bị tố cáo về hoạt động của công ty.

Vấn đề Myanmar đã trở thành một ví dụ điển hình về những tác động nghiêm trọng mà phát ngôn thù địch được chia sẻ trên Facebook có thể gây ra - Ảnh: Reuters
Vấn đề Myanmar đã trở thành một ví dụ điển hình về những tác động nghiêm trọng mà phát ngôn thù địch được chia sẻ trên Facebook có thể gây ra - Ảnh: Reuters

Theo đơn kiện, bà Haugen cho biết “các giám đốc của Facebook hoàn toàn biết rõ về những bài đăng yêu cầu tấn công của chính phủ Myanmar nhằm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya lan truyền rộng rãi trên Facebook” và “việc người Rohingya được nhắm tới trên Facebook cũng được nội bộ công ty nắm rõ trong nhiều năm”. Ngoài vấn đề ở Myanmar, bà cũng tố cáo nhiều hành động khác của Facebook.

Phản ứng lại tố cáo của bà Haugen, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã phát đi thông cáo dài 1.300 từ, trong đó nói rằng “một bức tranh sai lệch về Facebook đã được tô vẽ”.

"Nếu chúng tôi không quan tâm tới việc đấu tranh chống lại những nội dung độc hại thì tại sao chúng tôi lại tuyển dụng nhiều người để làm việc này hơn bất kỳ công ty nào khác trong ngành”, Zuckerberg nói.

Tuy nhiên, vấn đề Myanmar đã trở thành một ví dụ điển hình về những tác động nghiêm trọng mà phát ngôn thù địch được chia sẻ trên Facebook có thể gây ra.

Năm 2018, một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc, người phụ trách vấn đề ở Myanmar, nói rằng cuộc khủng hoảng này mang "dấu ấn của tội ác diệt chủng". Theo quan chức này, bằng cách thúc đẩy bạo lực và sự thù ghét với người Rohingya, Facebook đã "biến thành một con thú".

Facebook sau đó thừa nhận rằng họ đã không hành động đủ để ngăn nền tảng của mình bị lợi dụng và gây ra đổ máu. CEO Zuckerberg cũng lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ tăng cường kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của mình.

Tuy nhiên, theo giáo sư Davis, những thừa nhận trước đây của Facebook không củng cố cho lập luận được đưa ra trong các vụ kiện nói trên.

"Việc nói rằng đáng lẽ phải hành động nhiều hơn không đồng nghĩa với việc họ đã vi phạm quyền hợp pháp của bất kỳ ai, cũng không đồng nghĩa mọi người có thể nói rằng Facebook gây ra tổn hại cho họ”, ông phân tích.

Các luật sư trong vụ kiện cũng nói rằng Facebook “đã thất bại trong chính sách và không đầu tư đầy đủ vào người kiểm duyệt nội dung nói tiếng Myanmar hoặc Rohingya hoặc người kiểm duyệt bản địa”.

Tuy nhiên, hồi tháng 10, lãnh đạo Facebook cho biết, trong 2 năm qua, công ty này đã thuê thêm nhân viên có chuyên môn về ngôn ngữ và đất nước bản địa tại những quốc gia như Myanmar và đã thêm người kiểm duyệt nội dung bằng 12 ngôn ngữ mới trong năm nay.

Hiện tại, Facebook cũng gặp vấn đề liên quan tới ngôn ngữ nước ngoài tại một số quốc gia bất ổn như Ethiopia và Afghanistan.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con