Fed chính thức bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát
Bằng động thái nâng lãi suất lần đầu tiên sau hơn ba năm và dự kiến sẽ có tổng cộng7 lần tăng trong cả năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức bước vào cuộc chiến chống lại sự leo thang không ngừng nghỉ của lạm phát...
Tuy nhiên, “tác dụng phụ” của sự cứng rắn này đang là điều mà các chuyên gia kinh tế lo lắng.
QUYẾT TÂM CHỐNG LẠM PHÁT CỦA FED
Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 3 này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã được một nghị sỹ hỏi rằng liệu Fed có sẵn sàng “làm bất kỳ điều gì cần thiết” để đưa lạm phát về tầm kiểm soát, thậm chí là hành động tương tự như người tiền nhiệm khả kính Paul Volcker – người đã lập lại sự ổn định giá cả trong nền kinh tế Mỹ “bằng mọi giá”.
Gọi ông Volcker quá cố, người đã giữ cương vị Chủ tịch Fed trong thời gian 1979-1987, là “vị công chức kinh tế vĩ đại nhất của giai đoạn đó”, ông Powell trả lời câu hỏi trên: Tôi hy vọng lịch sử sẽ ghi lại câu trả lời của tôi cho câu hỏi này là “Có”.
Và trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra vào ngày 15-16/3, ông Powell đã bắt đầu thực hiện lời hứa đó. Fed kết thúc cuộc họp bằng tuyên bố nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, từ khoảng 0-0,25% trước đó lên 0,25-0,5%. Đây là đợt nâng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2018. Mức lãi suất gần 0 đã được Fed duy trì kể từ đầu năm 2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu.
Động thái nâng lãi suất và bước nhảy lãi suất trên đều không nằm ngoài dự báo của thị trường. Tuy nhiên, Fed đã ít nhiều gây bất ngờ khi dự báo sẽ có thêm 6 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay, nghĩa là từ nay đến cuối năm, cuộc họp định kỳ nào của Fed cũng có tăng lãi suất.
Tại họp báo sau cuộc họp Fed, ông Powell nói rằng lạm phát đang quá cao, thị trường lao động đang quá nóng và ổn định giá cả là ưu tiên của Fed vào lúc này. “Trong cuộc họp ngày hôm nay, tôi nhận thấy các thành viên đều nhận thức rõ về sự cần thiết phải đưa nền kinh tế về trạng thái ổn định giá cả và họ đều quyết tâm sử dụng các công cụ sẵn có để đạt đúng mục tiêu đó. Nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh và có vị thế vững vàng để chịu sự thắt chặt của chính sách tiền tệ”, ông Powell nói với các nhà báo.
Với triển vọng tăng lãi suất như Fed đưa ra, lãi suất tham chiếu “Fed fund rates” sẽ đạt 1,9% vào cuối năm nay và 2,8% vào cuối năm 2023 - một mức lãi suất được cho là sẽ gây hạn chế tăng trưởng kinh tế.
Giới quan sát không còn bàn cãi gì thêm về quyết tâm chống lạm phát đã được thể hiện quá rõ ràng của ông Powell. Nhưng có một điều mà các nhà đầu tư và chuyên gia lo lắng vào lúc này là hệ quả của sự cứng rắn đó đối với tăng trưởng kinh tế. Họ cho rằng mức độ thắt chặt cần thiết để chống lại lạm phát có thể dẫn tới thiệt hại đối với tăng trưởng ở mức độ nhiều hơn những gì Fed sẵn sàng chấp nhận.
Trên thực tế, nỗ lực của ông Volcker nhằm kiểm soát lạm phát bằng cách đưa lãi suất lên ngưỡng hai con số đã đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Năm 1981, ông Volcker đưa lãi suất lên đỉnh 20%, và kinh tế Mỹ đã suy thoái từ năm 1980-1982, với tỷ lệ thất nghiệp vượt 10%. Tuy nhiên, ông Powell khẳng định rằng sức mạnh hiện nay của nền kinh tế Mỹ là đủ lớn để vượt qua thời kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt mà ông vừa mở ra. Thậm chí, ông còn thể hiện rõ quan điểm rằng nếu lạm phát không dịu đi, Fed sẽ hành động mạnh hơn nữa.
Với tốc độ tăng lãi suất như Fed dự kiến, các quan chức Fed tin rằng lạm phát lõi ở nước này sẽ giảm từ mức 4,1% vào cuối năm 2022 xuống còn 2,6% trong năm 2023 và về 2,3% trong năm 2024. Tăng trưởng kinh tế Mỹ được Fed dự báo sẽ giảm từ 2,8% xuống còn 2% trong cùng khoảng thời gian, nhưng Fed lại tin rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào trong tỷ lệ thất nghiệp. Dự báo mà Fed đưa ra cho rằng tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế Mỹ sẽ ở mức 3,5% trong năm nay và năm 2023, trước khi nhích lên 0,1% trong năm 2024, bất chấp lãi suất tăng liên tục.
GIỚI CHUYÊN GIA NÓI GÌ?
Ông Peter Hooper - người đã làm việc 30 năm trong Fed và hiện giữ vai trò Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc Ngân hàng Đức Deutsche Bank, cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ, đặc biệt là mức thất nghiệp, mà Fed đưa ra chỉ là “mơ tưởng”. “Vấn đề nằm ở chỗ đến một lúc nào đó họ sẽ cần thừa nhận rằng nền kinh tế sẽ phải giảm tốc và thất nghiệp sẽ phải tăng lên như một tác dụng phụ của việc hút bớt lạm phát khỏi hệ thống”, ông Hooper nói.
Vị chuyên gia này cho rằng có khả năng lãi suất của Fed cần phải tăng lên mức khoảng 3,5% để kiềm chế hoàn toàn các áp lực tăng giá. Mức lãi suất như vậy cao hơn trên 1 điểm phần trăm so với lãi suất trung tính 2,4% - mức được cho là không có tác động kích thích hay gây suy giảm tăng trưởng kinh tế. Như đã đề cập ở trên, Fed dự báo lãi suất ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ là 2,8%.
Theo ông Robert Perli - một cựu quan chức Fed và hiện là trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách toàn cầu thuộc Công ty Piper Sandler, với tốc độ tăng lãi suất như dự kiến Fed có thể “đang đùa với lửa”. Ông nhận thấy nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023 đã tăng lên. “Có một rủi ro là Fed có thể quá tập trung vào việc kéo lạm phát xuống và sẵn sàng đánh đổi sức khoẻ của nền kinh tế và thị trường lao động”, ông Perli nói.
Tuy nhiên, ông Constance Hunter - Trưởng bộ phận chính sách toàn cầu thuộc AIG, nhận định rằng sự đa dạng quan điểm mà các quan chức Fed thể hiện trong lần họp này cho thấy “Fed có mức độ linh hoạt nhất định khi phản ứng với tình hình thực tế trong thời gian còn lại của năm nay”.
Điều này có nghĩa là Fed hoàn toàn có thể giãn tiến độ tăng lãi suất nếu nền kinh tế giảm tốc nhanh. Còn trong trường hợp lạm phát không hạ nhiệt, Fed có thể sử dụng tới một công cụ mà ngân hàng trung ương này từ năm 2000 đến nay chưa dùng lần nào, là nâng bước nhảy lãi suất của mỗi lần tăng lên 0,5 điểm phần trăm, thay vì 0,25 điểm phần trăm như đang áp dụng – theo ông Jason Thomas, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu thuộc Carlyle. Ngoài ra, Fed cũng có thể linh hoạt bằng cách đẩy nhanh hoặc hãm bớt tiến độ cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán 9.000 tỷ USD.
Nhưng theo Giám đốc đầu tư Sonai Desai của Franklin Templeton, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức ép lạm phát đã loang rộng khỏi những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Điều này có nghĩa là Fed nhiều khả năng sẽ nghiêng theo chiều hướng cứng rắn và thậm chí có thể buộc phải nâng suất nhanh hơn mạnh hơn dự kiến. Môi trường chính trị cũng có thể tạo điều kiện tuận lợi cho chủ trương này của Fed.
“Rất hiếm khi một ngân hàng trung ương không gặp phải trở ngại chính trị khi họ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ”, bà Sonai Desai nói. “Nhưng tôi cho rằng sự quyết tâm của Fed đến từ việc cả hai đảng của Mỹ đều đang ủng hộ mạnh mẽ việc đưa lạm phát trở lại tầm kiểm soát, vì đây đang là vấn đề lớn nhất đối với người dân Mỹ vào lúc này”.