Gần 1.900 tỷ rút khỏi các ETF Việt Nam trong tuần giao dịch đầu tiên năm 2023, vốn ngoại vẫn mua ròng mạnh
Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023, dòng vốn qua ETF vào Việt Nam bị rút ròng 44 triệu USD, tương đương 1.876 tỷ đồng theo báo cáo từ Chứng khoán Yuanta. Tuy nhiên trong 6 phiên đầu tiên của năm 2023, khối ngoại vẫn ghi nhận mua ròng 2.612 tỷ đồng trên sàn HoSE...
Cụ thể, đối với dòng vốn ETF toàn cầu, các quỹ ETF tại thị trường Mỹ huy động được thêm 9,3 tỷ USD, tăng 59% so với tuần cuối cùng của năm 2022. Trong khi dòng vốn vào các quỹ ETF cổ phiếu Mỹ bị rút ròng 2,7 tỷ USD thì các quỹ ETF trái phiếu Mỹ ghi nhận tuần hút ròng mạnh mẽ 9,4 tỷ USD, tăng mạnh 514% so với tuần trước.
Mặc dù số liệu việc làm tháng 12 của Mỹ tốt hơn dự kiến và thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng điểm, nhưng dòng vốn dịch chuyển từ các quỹ ETF cổ phiếu sang các quỹ ETF trái phiếu vì những lo ngại về suy thoái kinh tế và việc Fed phát đi các tín hiệu chưa nên quá kỳ vọng về chính sách ôn hòa khi Fed vẫn chưa đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng thời, lợi suất trái phiếu tiếp tục xu hướng giảm cũng là động lực chính thúc đẩy các quỹ ETF trái phiếu hút ròng trong tuần qua.
Các quỹ ETF hàng hóa vẫn duy trì đà hút ròng tuy nhiên tốc độ chậm lại đạt 245 triệu USD, giảm 3,2% so với tuần trước đó do lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế, nhất là nhu cầu dầu suy yếu trong thời gian gần đây.
Tại khu vực châu Á, xu hướng rút ròng tại thị trường Đài Loan đã chấm dứt bằng tuần mua ròng 306 triệu USD, tăng mạnh so với rút ròng 894 triệu USD tuần cuối năm 2022. Điều này diễn ra tương tự tại Hàn Quốc khi được hút ròng 802 triệu USD, so với rút ròng 408 triệu USD tuần trước.
Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường Thái Lan và Việt Nam vẫn duy trì đà hút ròng nhưng đã chậm lại với giá trị vào ròng 61 triệu USD tại thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Ngược lại với xu hướng hút ròng chủ đạo thì dòng tiền vào các quỹ ETF trong khu vực Đông Nam Á lại bị rút ròng, nhất là tại thị trường Việt Nam bị rút 44 triệu USD do Kim Index rút 73,8 triệu USD. Trong khi Fubon chững lại đà hút ròng do chạm ngưỡng huy động thì Vaneck và Ishares MSCI Frontier 100 ETF lần lượt hút ròng 19,5 triệu USD, tăng 154% WoW, và 44,7 triệu USD, tăng 615% so với tuần trước đó.
Việt Nam đồng thời là quốc gia bị rút ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua, trong khi đó, Thái Lan hút ròng 42,3 triệu USD, Singapore 2,5 triệu USD, Indonesia, Phillipines, Malaysia bị rút ròng với giá trị không đáng kể.
Mặc dù các ETF bị rút ròng nhưng xét chung tổng thể cả khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.631 tỷ đồng trên HoSE trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 1.439 tỷ đồng. Trong 2 phiên đầu tuần này, khối ngoại mua ròng thêm gần 975,6 tỷ đồng nữa.
Top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm HPG, VNM, VRE, FUEVFVND, VHM. Điểm đáng ghi nhận nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh cổ phiếu họ VinGroup trong tuần. Ngược lại, họ bán ròng DPM, DGC, VGC, PVT, VHC. Như vậy top bán ròng chủ yếu cổ phiếu vốn hóa trung bình.
Trước đó, năm 2022, dòng vốn qua ETF vào Việt Nam với giá trị dòng đạt kỷ lục 24.220 tỷ đồng so với mức 13.500 tỷ đồng trong năm 2021, trong đó riêng Quý 4 ghi nhận mức vào ròng hơn 14,1 nghìn tỷ đồng và tháng 12/2022 là 5.800 tỷ đồng. 2022 đánh dấu là năm huy động thành công nhất của các quỹ ETF trên thị trường Việt Nam.
Trong tổng cộng 14 quỹ theo dõi, có 8 quỹ nhận được dòng vốn tăng thêm trong tháng, với tổng giá trị 5.883 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là các quỹ Fubon (+2.230 tỷ), VanEck (+1.499 tỷ), VNDiamond (+1.264 tỷ), và FTSE Vietnam (+480 tỷ). Ngược lại, chỉ có 2 quỹ bị rút vốn với giá trị không đáng kể là SSIAM VNX50 (-58 tỷ) và Mirae Assets VN30 (-23 tỷ).
Cập nhật triển vọng dòng vốn ETF trong năm 2023, SSI Research đưa ra quan điểm tích cực về dòng vốn các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023.
Xét về chu kỳ kinh tế, năm 2023 được nhìn nhận là một năm Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức (và khó dự đoán), tuy nhiên đây cũng thường là thời kỳ các dòng tiền lớn giải ngân vào thị trường chứng khoán.
Các yếu tố khác hỗ trợ thị trường mang tính chất dài hạn như việc Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 kích hoạt dòng tiền chảy vào các quốc gia sẽ được hưởng lợi về xuất khẩu và du lịch hay các cơ quan quản lý đã bước đầu triển khai các biện pháp giúp Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, quan điểm trung lập hơn đối với dòng vốn do rủi ro dòng tiền khối ngoại vào Việt Nam, tuy có độ trễ, vẫn tương đồng với các quốc gia trong khu vực (xu hướng bán ròng trong tháng 12 khi các quỹ chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc).