Gần 140 nhân viên y tế Hải Dương xin thôi việc
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hải Dương có 139 nhân viên y tế các cơ sở y tế công lập xin thôi việc, trong đó có 44 bác sĩ…
Thông tin được ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, cho biết trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII sáng 12/7.
Theo ông Cường, nguyên nhân của tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc chủ yếu là do mức thu nhập thấp; việc đào tạo kéo dài, tốn kém, áp lực công việc lớn hơn nhiều nghề khác nhưng mức lương hiện hưởng như cử nhân các ngành, nghề khác.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế còn chịu áp lực từ phía người bệnh do yêu cầu ngày càng cao; cơ sở vật chất các cơ sở y tế công lập trong tỉnh cũng hạn chế; việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình công tác chưa được thực sự quan tâm.
Để thu hút và tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên y tế yên tâm công tác, Sở Y tế Hải Dương đề xuất Chính phủ, tỉnh cần có chế độ tiền lương, mức phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế, thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên để khuyến khích nhân viên y tế làm việc lâu dài.
Tỉnh cần có chính sách đãi ngộ hợp lý để đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế; tăng mức hỗ trợ bác sĩ, nhân viên y tế có chức danh nghề nghiệp cao; giao chỉ tiêu nhân viên y tế trong tỉnh theo đúng mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ; không thực hiện tinh giản biến chế đối với cơ sở y tế.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cơ sở vật chất ở các cơ sở y tế công lập để tạo môi trường nghề nghiệp thuận lợi cho đội ngũ y, bác sĩ làm việc, phát huy năng lực của mình.
Liên quan đến vấn đề khan hiếm thuốc chữa bệnh thời gian qua, ông Cường cho biết hiện tỉnh Hải Dương cơ bản chưa bị thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo một số loại thuốc, hóa chất sẽ thiếu do việc đấu thầu tập trung cấp quốc gia chưa có kết quả, một số nhà thầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh; một số thuốc trúng thầu nhưng chưa được gia hạn theo quy định của Bộ Y tế, thiếu một số hóa chất đông máu…
“Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành rà soát lại các danh mục thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc, hóa chất vật tư tiêu hao và lên phương án để cung ứng theo chỉ đạo của Bộ Y tế”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương thông tin.
Mặc dù vậy, việc đấu thầu thuốc hiện nay cũng khó khăn, lúng túng do các quy định, hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư y tế thường xuyên thay đổi hằng năm; chưa có quy định rõ ràng, thống nhất giữa các địa phương trong công tác đấu thầu; công tác xây dựng giá kế hoạch theo quy định cũng gặp khó khăn, việc tham khảo giá kế hoạch chỉ trong 12 tháng không phù hợp với cơ chế thị trường; việc tổ chức đầu thầu mất nhiều thời gian; nhân lực làm công tác này còn hạn chế; việc thẩm định giá đầu thầu chậm…
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương, để không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động lập kế hoạch, tự tổ chức đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia. “Sở Y tế đã đề nghị UBND tỉnh giao các cơ sở y tế tự mua sắm, đầu thầu thuốc, vật tư tiêu hao để sát với tình hình thực tế, nhu cầu khám chữa bệnh và rút ngắn thời gian đấu thầu”, ông Cường thông tin.