Giá tăng gần 35%, lãnh đạo MWG đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng Quản trị MWG đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân, từ ngày 7/9 đến 6/10 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG-HOSE).
Theo đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng Quản trị MWG đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân, từ ngày 7/9 đến 6/10 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
Nếu giao dịch thành công, ông Đoàn Văn Hiểu Em giảm lượng cổ phần sở hữu tại Thế giới Di động xuống còn gần 2,9 triệu cp, tương đương 0,197%.
Hiện cổ phiếu MWG giao dịch quanh ngưỡng 54.000 đồng/cp và tăng 34,67% trong 6 tháng qua, ước tính ông EM thu về 54 tỷ đồng từ giao dịch này.
Trước đó, ngày 28/8 quỹ ngoại Arisaig Asia Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners quản lý vừa bán ra 2,2 triệu cổ phiếu MWG - trong khi đó, Mercer QIF Fund Public Limited Company lại mua vào 97,1 triệu cổ phiếu MWG. Sau giao dịch, tổng cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan đã giảm số lượng từ 6,02% xuống còn 5,88% tương ứng gần 86 triệu cổ phiếu MWG.
Mới đây, MWG vừa cập nhật tình hình kinh doanh 7 tháng năm 20223. Theo đó, lũy kế 7 tháng 2023, tổng doanh thu của 2 chuỗi đạt hơn 48,3 ngàn tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ và tiếp tục không cập nhật lợi nhuận.
Tính riêng tháng 7, tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX đạt hơn 6,8 ngàn tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX tăng 2% so với tháng 6/2023 và giảm 20% so với cùng kỳ tháng 7/2022.
Theo MWG, nhờ nỗ lực triển khai các hoạt động thúc đẩy bán hàng, công ty ghi nhận sự cải thiện liên tục qua từng tháng ở hầu hết mọi ngành hàng kể từ sau Tết Nguyên Đán đến nay. Tháng 7, doanh thu các sản phẩm ICT (điện thoại, máy tính bảng, máy tính xáy tay) đã tăng 20% đến 30%; các sản phẩm điện máy (điện tử, điện lạnh, điện gia dụng) đã tăng 25% đến 35% so với thời điềm tháng 3/2023.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu trên kênh Online 7 tháng đầu năm đạt khoảng 8,6 ngàn tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Chuỗi BHX: MWG cho biết, doanh thu lũy kế của BHX trong 7 tháng đầu năm đạt 16,5 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Doanh thu từ kênh Online tăng trưởng 10%.
Tính riêng tháng 7, doanh thu của BHX là hơn 2,8 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và tăng hơn 10% so với tháng liền trước. MWG cho biết tăng trưởng chủ yếu đến từ tăng số lượng hóa đơn mua hàng, bao gồm cả thu hút thêm khách hàng mới và tăng tần suất mua của khách hàng hiện hữu.
Doanh thu bình quân trên cửa hàng đạt 1,6 tỷ đồng vào tháng 7. Trong đó, doanh thu bình quân cửa hàng ở TPHCM là khoảng 1,7-1,8 tỷ đồng và cửa hàng ở khu vực tỉnh là khoảng 1,4-1,5 tỷ đồng và BHX sẽ nỗ lực đề bảo vệ doanh số trong giai đoạn mưa nhiều (từ tháng 8 đến tháng 10) và tiếp tục tăng trưởng lên mức bình quần 1,7 tỷ đồng/cửa hàng cho toàn hệ thống trong những tháng cuối năm.
Được biết, MWG đã có công văn giải trình lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý 2/2023 đạt 17,4 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ là 1.131 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 38,7 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ là 2.576 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/06/2023, công ty đang có khoản tiền ròng (tổng tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính - tổng nợ vay ngắn và dài hạn) là hơn 2.100 tỷ đồng.
MWG cho biết nguyên nhân giảm là do sức mua điện thoại và điện máy nói chung suy yếu kể từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2023 (ngoại trừ sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ). Để thu hút thêm khách hàng mới (nhóm khách hàng chưa được phục vụ và nhạy cảm về giá) đồng thời giữ chân khách hàng hiện hữu, công ty đã chủ động thực hiện chiến dịch “giá rẻ quá” từ cuối tháng 3, đưa ra nhiều lựa chọn mua sắm linh hoạt với các khuyến mãi hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu thiết thực của khách hàng. Nhờ vậy, tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX trong quý II đã tăng 8% so với quý I và chỉ còn giảm 20% so với cùng kỳ. Công ty cũng bắt đầu ghi nhận gia tăng thị phần ở nhiêu nhóm hàng, đặc biệt là sản phâm Apple. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp trong quý II có sụt giảm so với quý 1 và cùng kỳ 2022.
Đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm thì xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn đang diễn ra, tuy nhiên, do bản chất là hàng thiết yếu nên các ngành hàng này đang ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định.