Giá ure giảm mạnh, lợi nhuận doanh nghiệp phân bón lao dốc năm 2023?
VCSC điều chỉnh giảm 10% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích Cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 cho DPM và 15% cho DCM...
Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu phân bón, Chứng khoán Bản Việt kỳ vọng giá ure sẽ giảm vào năm 2023.
Tính đến giữa tháng 2/2023, giá urê Trung Đông trung bình từ đầu năm đến nay là 411 USD/tấn — thấp hơn 29% so với mức trung bình của quý 4/2022. VCSC điều chỉnh giảm 17% dự báo giá urê Trung Đông năm 2023 từ 539 USD/tấn xuống còn 450 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, giá urê hiện tại có thể đã chạm đáy, điều này sẽ kích thích nhu cầu urê cao hơn trong những tháng tới. Ngoài ra, giá khí đốt ở Châu Âu dù đã giảm kể từ cuối tháng 8/2022 nhưng vẫn ở mức cao 18 USD/MMBTU - cao hơn 17% so với mức trước xung đột Nga – Ukraine và cao hơn 3,8 lần so với mức trước dịch COVID-19.
Do đó, châu Âu có thể ưu tiên nhập khẩu urê với giá cạnh tranh hơn tự sản xuất và chỉ một số nhà máy urê chạy bằng khí đốt ở châu Âu đã tạm ngừng sản xuất vào năm 2022 có thể hoạt động trở lại vào năm 2023.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng xuất khẩu urê của Trung Quốc sẽ tăng trong năm 2023 so với năm 2022 do chi phí sản xuất cạnh tranh đối với các nhà máy urê chạy bằng than so với các nhà máy urê chạy bằng khí đốt ở Châu Âu và việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2023. Xuất khẩu urê của Nga sẽ tăng vào năm 2023 nhờ hạn ngạch xuất khẩu phân đạm cao hơn, trong đó có urê.
Những yếu tố này sẽ làm tăng nguồn cung urê, mặc dù ở mức thấp hơn so với trước xung đột Nga-Ukraine. Ngoài ra, nguồn cung urê tăng và nhu cầu phục hồi sẽ không gây thêm áp lực lên giá urê. Trong khi đó, VCSC duy trì giả định về giá urê Trung Đông trung bình là 350-400 USD/tấn trong giai đoạn 2024- 2027F (trung bình 15 năm) do kỳ vọng giá dầu, khí đốt và LNG sẽ hạ nhiệt trong dài hạn.
Các hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc có hiệu lực từ giữa tháng 10/2021 và được gia hạn đến cuối năm 2022. Tính đến thời điểm công bố báo cáo này, Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về chính sách xuất khẩu phân bón của nước này từ năm 2023 trở đi.
Tuy nhiên, Nga đã gia hạn hạn ngạch xuất khẩu phân đạm (bao gồm urê, amoniac và amoni nitrat) đến tháng 5/2023, nâng hạn ngạch lên gần 11,8 triệu tấn so với 8,3 triệu tấn như trước đây.
Ở trong nước, mặc dù thời tiết thuận lợi cho các hoạt động nông nghiệp trong năm 2022, nhưng nhu cầu urê của Việt Nam ước tính giảm 20%-30% so với cùng kỳ do giá urê tăng cao cũng như xung đột Nga-Ukraine và các chính sách hạn chế xuất khẩu urê ảnh hưởng đến việc xuất khẩu urê sang Việt Nam.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng nhu cầu urê trong nước sẽ phục hồi do giá urê thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và giá nông sản (chủ yếu là gạo) dự kiến sẽ tăng.
Trên cơ sở đó, VCSC điều chỉnh khuyến nghị cho DPM và DCM từ mua xuống khả quan và giảm giá mục tiêu tương ứng 7% xuống 40.100 đồng/cổ phiếu và 15% xuống 27.700 đồng/cổ phiếu.
Giá mục tiêu thấp hơn là do điều chỉnh giảm 10% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích Cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 cho DPM và 15% cho DCM.
Định giá và lợi suất cổ tức hấp dẫn. DPM đang giao dịch ở mức P/E 2023/2024 lần lượt là 8,0 lần/9,6 lần – thấp hơn 27%/12% so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực. Dự báo DPM sẽ trả cổ tức tiền mặt hấp dẫn 3.000-5.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 8%-13%) trong giai đoạn 2023-2027.
DCM đang giao dịch ở mức P/E 2023/2024 lần lượt là 8,7 lần/7,5 lần - thấp hơn 20%/31% so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực. Dự báo DCM sẽ trả cổ tức tiền mặt hấp dẫn 1.800-2.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 7%-8%) trong giai đoạn 2023-2027.