Giá vàng thế giới lao dốc, trong nước giảm cầm chừng
Nếu so với trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới giảm mạnh, để tuột mốc chủ chốt 2.300 USD/oz, do nỗi lo ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn sau các số liệu kinh tế “nóng” hơn dự báo gần đây. Giá vàng trong nước sáng nay (1/5) chỉ giảm vài trăm nghìn đồng mỗi lượng so với trước nghỉ lễ.
Đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay sụt 2,1%, còn 2.286,9 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 1,2 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.288,1 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này của vàng quốc tế tương đương khoảng 70,2 triệu đồng/lượng.
Nếu so với trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 bán lẻ hiện chỉ giảm phổ biến khoảng 400.000-500.000 so với trước lễ.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 82,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 74,3 triệu đồng/lượng và 76 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Công ty Bảo Tín Minh Châu báo giá vàng miếng SJC ở mức 82,6 triệu đồng/lượng và 84,65 triệu đồng/lương; giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long ở mức 74,19 triệu đồng/lượng và 75,79 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới đang đương đầu với áp lực giảm giá từ triển vọng Fed trì hoãn giảm lãi suất, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng tăng.
Dù vậy, nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị và xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương vẫn đang hỗ trợ giá vàng. Đây là những yếu tố đưa giá vàng thế giới tăng khoảng 3,3% trong tháng 4 vừa rồi và hoàn tất tháng tăng thứ ba liên tiếp. Trong tháng, giá vàng lập kỷ lục mọi thời đại ở mức hơn 2.430 USD/oz.
Đồng USD tăng giá 0,3% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác trong phiên ngày thứ Ba. Sáng nay, chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng, đạt 106,4 điểm, cao nhất trong 5 tháng trở lại đây. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt ngưỡng chủ chốt 5%.
“Nhiều nhà giao dịch đã chốt lời đối với vàng. Họ thận trọng trước khi Fed công bố kết quả họp”, chiến lược gia Bob Haberkorn của công ty RJO Futures nói với hãng tin Reuters.
Fed đã khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ 2 ngày vào ngày thứ Ba và dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố vào buổi chiều ngày thứ Tư theo giờ địa phương. Theo dự báo, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới sẽ phát tín hiệu chưa sẵn sàng cho việc giảm lãi suất, do các dữ liệu lạm phát và tiền lương gần đây tiếp tục cho thấy áp lực giá cả còn lớn.
Một báo cáo ngày thứ Ba của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số chi phí nhân công - một thước đo tiền lương và chế độ của người lao động - tăng 1,2% trong quý 1, cao hơn mức dự báo tăng 1% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tiền lương tăng mạnh đồng nghĩa áp lực lạm phát còn lớn.
“Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất của khu vực châu Á và các ngân hàng trung ương còn ở mức cao. Trong 2 năm qua, lực mua vàng phòng ngừa rủi ro đã tăng lên. Bởi vậy, thị trường vàng vẫn đang ở vào một vị thế có thể tiếp tục chứng kiến sự tăng giá trong thời gian còn lại của năm”, ông Haberkorn nói.
Nhưng trong ngắn hạn, rủi ro mất giá của vàng là điều mà nhà đầu tư không thể xem nhẹ. Theo nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của công ty ActiveTrades, lập trường mà Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tại họp báo vào ngày thứ Tư có thể sẽ rất cứng rắn. Ông Evangelista cho rằng kỳ vọng về đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed có thể bị đẩy lùi tới quý 4 hoặc thậm chí sang năm tới - một kịch bản bất lợi cho giá vàng.