Giá vàng thế giới vượt cản 1.900 USD/oz, trong nước nhảy 300.000 đồng/lượng
Tính cả tháng 5, giá vàng thế giới tăng gần 7,2%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020...
Giá vàng thế giới đã chinh phục thành công ngưỡng cản quan trọng 1.900 USD/oz, đưa giá vàng miếng trong nước sáng nay (29/5) tăng 300.000 đồng/lượng. Giá USD tự do tiếp tục đi xuống, về 23.200 đồng.
Lúc hơn 11h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 56,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm hôm qua, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,39 triệu đồng/lượng và 56,87 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 250.000 đồng/lượng và 330.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 3,7-3,8 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 3,6 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới lại đang có chiều hướng kéo giãn trở lại sau khi giảm còn 3,4 triệu đồng/lượng trong tuần này, từ mức hơn 6 triệu đồng/lượng vào đầu tháng.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác tăng từ 200.000-300.000 đồng/lượng tuỳ thương hiệu.
Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá mua vào là 53 triệu đồng/lượng (mua vào) và 53,7 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 53,28 triệu đồng/lượng và 53,88 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (28/5) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 7,6 USD/oz, tương đương tăng 7,6 USD/oz, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 1.904,5 USD/oz, cao nhất kể từ đầu tháng 1.
Mức giá này tương đương 53,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Vàng bứt phá qua 1.900 USD/oz – một ngưỡng kháng cự mạnh mà kim loại quý này cách đây ít hôm đã cố gắng chinh phục nhưng bất thành – sau khi thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ tăng mạnh hơn dự báo.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 28/5 cho thấy chỉ số tiêu dùng cá nhân lõi (PCE), một chỉ báo lạm phát quan trọng, tăng 3,1% trong tháng 4. Mức tăng này lớn hơn dự báo tăng 2,9% mà giới phân tích đưa ra trước đó, và vượt xa mục tiêu lạm 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra.
“Dữ liệu này cho thấy một môi trường lạm phát tăng, rất có lợi cho vàng”, nhà giao dịch kim loại quý David Meger thuộc High Ridge Futures phát biểu.
Tuy nhiên, mức tăng chỉ số PCE không nóng như nhiều nhà đầu tư lo ngại, nên một số chuyên gia cho rằng Fed trước mắt sẽ duy trì quan điểm cho rằng lạm phát tăng chỉ là tạm thời và chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng.
Môi trường kết hợp giữa lạm phát tăng và lãi suất thấp càng có lợi cho vàng – kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu và không mang lãi suất.
Tuần này, giá vàng thế giới tăng 1,1%. Tính cả tháng 5, giá vàng tăng gần 7,2%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020.
Đồng USD vững giá trong mấy phiên gầy đây đang gây ít nhiều áp lực giảm lên giá vàng. Chốt tuần, chỉ số Dollar Index đạt gần 90,1 điểm, không có nhiều thay đổi so với phiên trước đó. Tuần này, chỉ số tăng 0,04%, theo dữ liệu từ MarketWatch.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả tháng 5, sự mất giá của USD đã hỗ trợ không nhỏ cho giá vàng tăng. Cả tháng, Dollar Index đã giảm 1,34%.
Chiến lược gia cấp cao Eli Tesfaye thuộc RJO Futures cho biết các yếu tố kỹ thuật đối với giá vàng hiện đang thuận lợi, nên bất kỳ sự giảm giá nào cũng nên được xem như cơ hội để mua. Ông Tesfaye nói thêm rằng nếu kinh tế Mỹ giữ đà phục hồi nhanh và lạm phát tiếp tục nóng lên, nhu cầu đầu tư vàng sẽ cao hơn.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.160 đồng (mua vào) và 23.200 đồng (bán ra), giảm tương ứng 10 đồng và 20 đồng so với sáng qua.
Tuần này, giá USD tự do giảm 60 đồng, nâng tổng mức giảm trong tháng 5 lên 450 đồng.