Giới bán khống “chùn tay” vì cổ phiếu Tesla tăng quá mạnh và bền bỉ
Những nhà bán khống mệt mỏi đã đóng hầu hết trạng thái đầu cơ giá xuống đối với cổ phiếu Tesla, khi các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục rót tiền mạnh vào cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô đắt giá nhất thế giới...
Theo tờ Financial Times dẫn số liệu từ S3 Partners cho biết tỷ trọng cổ phiếu bị bán khống trong tổng lượng cổ phiếu đang được lưu hành của Tesla đã giảm còn 3,3%, từ mức 19,6% vào thời điểm đầu năm ngoái. Số cổ phiếu Tesla bị bán khống đã giảm khoảng 80% trong cùng khoảng thời gian, còn 27 triệu cổ phiếu.
Nhà bán khống sừng sỏ Carson Block, nhà sáng lập Muddy Waters Capital, nói ông hiểu được lý do các nhà đầu tư chọn bán khống cổ phiếu Tesla. Ông lập luận rằng “về nguyên tắc, họ không sai”.
“Nhưng phía bên kia lại là Elon Musk (CEO của Tesla), một người giỏi hơn về trò chơi công ty đại chúng hơn bất kỳ ai mà tôi từng biết”, ông Block nói.
Phong cách lãnh đạo khác người của Musk, và việc Tesla triền miên thua lỗ cho tới khi liên tục báo lãi trong năm nay, đã khiến công ty 18 năm tuổi này trở thành một mục tiêu ưa thích của các nhà bán khống – những người hưởng lợi nhuận từ sự giảm giá của tài sản bị bán - ở Phố Wall. Tuy nhiên, nhiều nhà bán khống cổ phiếu Tesla giờ đây đã phải đóng trạng thái vì không thể chạy đua mãi với đà tăng mạnh và bền của cổ phiếu này.
Michael Burry, người từng đặt cược chống lại thị trường bất động sản Mỹ trước khủng hoảng tài chính và là cảm hứng cho bộ phim bom tấn “The Big Short” của Hollywood, từ lâu đã bán khống cổ phiếu Tesla. Ông từng có một dòng tweet (hiện đã bị xoá) nói rằng Tesla chẳng qua chỉ hưởng lợi từ “chính sách trợ giá hào phóng của chính phủ”.
Nhưng vào tháng trước, công ty Scion Asset Management của ông Burry đã đóng trạng thái bán khống cổ phiếu Tesla. Hồi tháng 5, công ty này còn có trong tay 800.000 quyền chọn bán cổ phiếu Tesla.
Công ty cung cấp số liệu Breakout Point ước tính rằng kể từ quý 2/2021, trong tất cả 33 tuần, Tesla là một trong 30 cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân ở Phố Wall mua nhiều nhất. Trong đó, có 16 tuần cổ phiếu này có tên trong top 10.
Tuy nhiên, mức tăng “khủng” của cổ phiếu Tesla đồng nghĩa cổ phiếu này vẫn là một trong những cổ phiếu có giá trị bán khống lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Cho dù trạng thái bán khống Tesla đã giảm xuống, việc giá cổ phiếu Tesla tăng 1.200% từ đầu năm ngoái tới nay có nghĩa là giá trị bán khống – tính bằng số cổ phiếu bị bán khống nhân với giá cổ phiếu – đã tăng từ mức chưa đầy 11 tỷ USD lên 28 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.
Và không phải nhà bán khống nào cũng “chào thua” Tesla. Nhà quản lý quỹ đầu cơ người Anh Crispin Odey vẫn duy trì đặt cược vào sự giảm giá của cổ phiếu này. Trong một lá thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Odey nói rằng “nhiều cổ phiếu đang được định giá ở mức phi lý”, trong đó có Tesla.
“Nếu bạn hào phóng cho là Tesla chiếm 10% tổng thị trường ô tô toàn cầu sau 8 năm nữa, thì hệ số giá cổ phiếu/lợi nhuận (P/E) của Tesla hiện nay lên tới 35 lần lợi nhuận năm 2030”, ông Odey nói. “Giá cổ phiếu giảm một nửa đã là một kết quả tốt đối với Tesla”.
Tuy nhiên, ông Odey cũng nói thêm rằng trừ phi xảy ra một cuộc bán tháo trên thị trường trái phiếu khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, thì khó có chuyện giá cổ phiếu Tesla sớm giảm mạnh.
Ngay cả theo tiêu chuẩn của Musk, vị tỷ phú giàu nhất thế giới đã có một tháng bận rộn. Sau một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội Twitter về việc có nên bán 10% số cổ phiếu Tesla mà ông đang nắm giữ, Musk đã hành động theo khuyến nghị của số đông, bán ra số cổ phiếu trị giá ít nhất 8,8 tỷ USD. Cùng với đó, Tesla bị ngân hàng JPMorgan Chase kiện đòi bồi thường 162 triệu USD vì một vụ trễ hạn thanh toán vào năm 2018.
Những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu Tesla đã chịu áp lực giảm từ việc Musk bán cổ phiếu. Dù vậy, trong 30 ngày qua, cổ phiếu này vẫn tăng giá khoảng 30%.