GMD sắp chào bán 100,45 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ, giá 20.000 đồng
Sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của Gemadept dự kiến sẽ tăng từ 3.013,8 tỷ đồng lên hơn 4.018,3 tỷ đồng...
CTCP Gemadept (mã GMD-HOSE) thông qua phương án phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ.
Theo đó, GMD dự kiến chào bán tối đa hơn 100,45 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 90:30 (cổ đông sở hữu 90 cổ phiếu được mua thêm 30 cổ phiếu mới). Giá chào bán là 20.000 đồng/cổ phiếu. Sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của Gemadept dự kiến sẽ tăng từ 3.013,8 tỷ đồng lên hơn 4.018,3 tỷ đồng.
Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2022, Công ty sẽ công bố thời gian phát hành cụ thể sau khi được UBCKNN chấp thuận và không vượt quá thời gian cho phép theo quy định của pháp luật.
Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến là hơn 2.009 tỷ đồng, GMD sẽ dùng toàn bộ số tiền thu được để phục vụ hoạt động của Công ty - trong đó, Công ty sẽ dùng 800 tỷ đồng để tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ nhằm thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa; 1.000 tỷ đồng để tăng vốn góp vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và 209 tỷ còn lại sẽ được GMD đầu tư mua sắm tài sản cố định để phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu GMD từ "khả quan" lên "mua" và tăng giá mục tiêu thêm 9,1% lên 62.600 đồng/cổ phiếu.
VCSC cho biết, giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ hiệu ứng tích cực từ việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2023 so với trước đó là cuối năm 2022 và giả định công suất cao hơn của chúng tôi cho cảng nước sâu Gemalink Giai đoạn 2 theo kế hoạch công suất mới của ban lãnh đạo. Những yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi tác động pha loãng từ đợt phát hành quyền sắp tới gồm tổng cộng khoảng 100,5 triệu cổ phiếu với giá phát hành 20.000 đồng/cổ phiếu, đã được cổ đông thông qua tại ĐHCĐ của công ty diễn ra vào ngày 25/4/2022.
Đồng thời, VCSC nhìn chung giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS cho năm 2022 và nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS cho giai đoạn 2023-2024 thêm 4,3% nhờ tỷ lệ đòn bẩy của GMD giảm sau khi công ty thực hiện phát hành quyền cũng như tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2025-2030 thêm 13%, chủ yếu phản ánh giả định công suất cao hơn của chúng tôi cho Giai đoạn 2 của Gemalink.
Trong năm 2022, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+8,3% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 790 tỷ đồng (+29% YoY). Chúng tôi giả định lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022 chủ yếu nhờ đóng góp lợi nhuận cả năm từ Gemalink.
Bên cạnh đó, VCSC có lưu ý rằng Gemalink được ghi nhận là công ty liên kết của GMD dù GMD sở hữu 65% cổ phần của Gemalink. Do đó, dự báo doanh thu tăng trưởng 1 chữ số của chúng tôi cho năm 2022 không bao gồm đóng góp doanh thu từ Gemalink trong năm. Đồng thời cũng kỳ vọng GMD sẽ hưởng lợi chính từ hoạt động sản xuất đang gia tăng tại Việt Nam.
Mặc dù GMD được giao dịch với định giá cao hơn so với trung vị của các công ty cùng ngành, công ty vận hành cảng này có kế hoạch mở rộng công suất lớn và tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong 3 năm tới nhờ Gemalink và rủi ro theo quan điểm của VCSC đối với GMD là tăng trưởng sản lượng và/hoặc cước phí thấp hơn; mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam phát triển chậm hơn.
Kết thúc 1/2022, GMD ghi nhận doanh thu đạt 879,9 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt 350,24 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 319,16 tỷ đồng, tăng 85,7%.
Năm 2022, GMD dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 19% và 24% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, hết quý 1/2022, GMD đã hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trên thị trường chứng khoán, hiện giá cổ phiếu GMD đang ghi nhận tăng 2,22% trong phiên sang nay (23/6) đạt 50.700 đồng/cổ phiếu và biến động giảm 8,65% trong 5 phiên qua.