Gỡ vướng để phát triển nhà ở xã hội
Mặc dù đạt một số kết quả nhất định, nhưng theo Bộ Xây dựng, quá trình triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số khó khăn về nguồn vốn, cơ chế chính sách...
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết 2022, trên địa bàn cả nước hoàn thành được 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, tổng diện tích hơn 7.780.000 m2. Ngoài ra đang tiếp tục triển khai 401 dự án, quy mô xây dựng 454.360 căn, tổng diện tích 22.720.000 m2, có thể giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp, hàng trăm nghìn công nhân cải thiện nhà ở và có chỗ ở an toàn.
Cũng theo Bộ Xây dựng, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định như trên song thực tế triển khai cho thấy việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn những khó khăn về nguồn vốn, cơ chế chính sách...
Nói về cơ chế chính sách, lãnh đạo một doanh nghiệp từng chia sẻ: Lợi nhuận các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nhận được chỉ ở mức khiêm tốn, rơi vào khoảng 10%. Đầu ra cho sản phẩm vẫn gặp những vướng mắc về đối tượng mua, quy trình bán. Song để xin phê duyệt một dự án nhà ở xã hội thì mất khoảng 5 năm do trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục khiến chi phí đội lên. Như vậy, thủ tục phức tạp cũng làm doanh nghiệp ngần ngại tham gia.
Xoay quanh vấn đề trên, Bộ Xây dựng thông tin, Bộ đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Trong đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất đai, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính… nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thời gian tới.
Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tháo gỡ các vướng mắc xuất phát từ cơ chế, chính sách, pháp luật, giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, nhất là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm.
Cũng đề cập đến vai trò của các địa phương trong công tác phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.
Hiệp hội này cho rằng, nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền không lớn, đặc biệt với tỉnh vùng sâu, vùng xa. Như thế sẽ khó có thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; cũng như đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhất là Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Hiệp hội nhận thấy nếu bỏ quy định “Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” thì khó thực hiện mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030, phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Bởi thế, nên bổ sung quy định: “Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” vào Điều 43 và Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhằm bổ sung một phần nguồn vốn xã hội hóa từ dự án nhà ở thương mại, để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư.