Hà Nội nghiên cứu làm metro số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi dài 43km
UBND TP. Hà Nội vừa giao các đơn vị nghiên cứu dự án tuyến metro số 6 đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi dài khoảng 43km sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB)...
Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đầu mối để tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) để nghiên cứu về tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có trách nhiệm làm việc với các chuyên gia của WB xác định lại nội dung của dự án hỗ trợ kỹ thuật, để lựa chọn các công việc phù hợp bảo đảm hiệu quả, tuân thủ các quy định của Việt Nam và kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng lâu dài (phục vụ cho việc chuẩn bị dự án ở các giai đoạn tiếp theo).
Đồng thời, trong nội dung nghiên cứu cần đề xuất các hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi để có thể huy động được các nguồn vốn tham gia đầu tư.
Trong đó, "nghiên cứu áp dụng mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông) để khai thác các không gian ngầm tại các ga đường sắt đô thị, các khu đất lân cận của tuyến đường (đặc biệt là điểm đầu và điểm cuối) để có thể thu hồi một phần vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước", UBND TP. Hà Nội lưu ý.
Phối hợp với nhà tài trợ lập Văn kiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, quy định về quản lý sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và quy định của nhà tài trợ.
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại vụ, Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn để Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ theo đúng quy định.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.
Hiện Hà Nội mới hoàn thành tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) với tổng chiều dài khoảng 13km. Tuyến được khởi công từ tháng 10/2011 và đưa vào vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.
Còn tuyến metro số 3 Nhổn-ga Hà Nội dài khoảng 21 km động thổ từ năm 2008, khởi công năm 2010 với dự kiến hoàn thành năm 2015. Dù lùi tiến độ 7 năm nhưng tính đến đầu tháng 10, tiến độ toàn dự án mới đạt 75,1%. Trong đó, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 96,3%; đoạn ngầm đạt 39%. Thành phố đang cùng chủ đầu tư tập trung hoàn thiện nốt các phần việc trên cao để đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm, đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2027.
Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm.
Theo quy hoạch, tuyến metro số 6 đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi có tổng chiều dài khoảng 43km với điểm đầu tại sân bay Nội Bài, điểm cuối tại Ngọc Hồi.
Tuyến này bao gồm 29 nhà ga và 2 depot tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ; đi qua 5 huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức và 3 quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông.