Hà Tĩnh đặt mục tiêu mỗi năm trồng mới 8.000 ha rừng
Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của thị trường...
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, duy trì tỷ lệ che phủ của rừng là 52%. Hằng năm, trồng rừng tập trung từ 7.000 - 8.000ha, trong đó rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khoảng 400ha.
Phấn đấu đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân đạt 3 - 4%/năm; diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 35.000ha.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của thị trường.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm, Hà Tĩnh trồng mới khoảng 8.000 ha rừng các loại (khoảng 92 – 94% là rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ), khoảng 3 triệu cây phân tán. Diện tích rừng trồng mới đang ngày càng tăng lên. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh còn duy trì khoanh nuôi 2.500 – 2.800 ha rừng tái sinh, làm giàu hơn 200 ha rừng tự nhiên.
Cùng với giá trị phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn môi trường sinh thái thì công tác phát triển rừng đã giúp Hà Tĩnh đạt sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 500.000 m3/năm, tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động, mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ dân sản xuất, góp phần đảo bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động phát triển rừng cũng giúp các địa phương xây dựng hàng trăm mô hình kinh tế kết vườn - ao - chuồng - rừng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm/mô hình và có được 26 nghìn ha rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức, cá nhân đang đẩy mạnh phát triển rừng để xây dựng chứng chỉ bền vững (FSC), nhằm mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng.
Tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu tới năm 2030 có khoảng 37.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gồm rừng trồng sản xuất 32.000ha, rừng cao su 5.000ha.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 30.668,72ha (rừng trồng 11.024,07ha, rừng tự nhiên 19.552,24ha, đất chưa có rừng 92,41ha) được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại 6 đơn vị, tổ chức trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Thạch Hà.