Hàng không phục hồi, “ông lớn” quản lý bay dự kiến nộp ngân sách tăng gần 35%
Bộ Giao thông vận tải giao chỉ tiêu cho “ông lớn” quản lý bay đạt sản lượng dịch vụ trên 660.000 lần chuyến, tăng 22,08% so với thực hiện năm 2022, tổng thu trên 4.200 tỷ đồng và nộp vào ngân sách gần 1.300 tỷ đồng, tăng 34,56%...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2023 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
TỔNG SẢN LƯỢNG ĐIỀU HÀNH BAY ĐẠT 660.000 LẦN CHUYẾN, TỔNG THU HƠN 4.200 TỶ ĐỒNG
Trong quyết định này, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch nhằm bảo đảm hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả; kinh doanh có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại tổng công ty và vốn của tổng công ty đầu tư tại công ty con.
Đồng thời, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của chủ sở hữu giao, trong đó có chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Cùng với đó, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại tổng công ty và vốn của tổng công ty đầu tư tại doanh nghiệp khác, hoàn thành các nhiệm vụ của chủ sở hữu giao trong đó có chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cụ thể, đối với kế hoạch cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đạt sản lượng dịch vụ 660.850 lần chuyến, tăng 22,08% so với thực hiện năm 2022.
Trong đó, điều hành bay đi, đến đạt 450.370 lần chuyến, tăng 14,57% so với thực hiện năm 2022; điều hành bay quá cảnh đạt 210.490 lần chuyến, tăng 42% so với thực hiện năm 2022.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm an toàn, điều hòa và hiệu quả cho 100% chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao.
Về kế hoạch tài chính, trong năm 2023, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được giao đạt tổng thu 4.208,771 tỷ đồng, tăng 25,13% so với thực hiện năm 2022; tổng doanh thu đạt 3.158,9 tỷ đồng, tăng 20,08% so với thực hiện năm 2022.
Còn tổng chi khoảng 2.651,567 tỷ đồng, tăng 20,67% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế sau trích quỹ khoa học công nghệ đạt 411,625 tỷ đồng, tăng 17,36% so với thực hiện năm 2022.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng dự kiến nộp ngân sách nhà nước 1.275,578 tỷ đồng, tăng 34,56% so với thực hiện năm 2022; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,42%.
Theo quan sát, những năm trước đại dịch Covid, doanh nghiệp này đều đặn nộp ngân sách mỗi năm khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 30% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, do lĩnh vực hàng không vừa trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn nên hầu hết chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu tài chính của VATM trong 5 năm tới đều giảm rất sâu.
Trong kế hoạch này, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành tổ chức, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, đảm bảo điều hành bay an toàn - điều hòa - hiệu quả 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao.
Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
Tăng cường công tác kiểm tra và duy trì nghiêm các chế độ trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo điều hành bay an toàn tuyệt đối, đặc biệt trong các dịp lễ lớn trong năm", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Ngoài ra, tổng công ty cũng cần ưu tiên thực hiện các giải pháp tăng cường tự thực hiện bảo trì, bảo dưỡng khai thác các trang thiết bị kỹ thuật hiệu quả, tiết kiệm chi phí và theo đúng quy định, tiêu chuẩn, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, ổn định, phục vụ cho các hoạt động bay và công tác điều hành bay.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN, GIẢI NGÂN GẦN 700 TỶ ĐỒNG
Cũng trong năm 2023, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được giao triển khai 83 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 7.981 tỷ đồng, giải ngân trong năm 2023 là 694 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch các dự án chuyển tiếp năm 2022, lấy tiêu chí hoàn thành giải ngân các dự án để theo dõi, giám sát và đánh giá cán bộ; tiếp tục thực hiện các thủ tục triển khai các dự án đầu tư mới năm 2023.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt đầu tư sớm phân hệ quản lý không lưu (ATM) tại Trung tâm kiểm soát đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh hiện tại để đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục và an toàn. Đồng thời, nghiên cứu, sớm trang bị thay thế các hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay có thời gian khai thác sử dụng đã lâu năm, quá tuổi thọ, đến hạn phải thay thế, nâng cấp.
“Sắp xếp, chủ động về nguồn vốn đầu tư, đảm bảo 100% các dự án quan trọng đều được thu xếp vốn đầu tư theo tiến độ; phấn đấu đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm của tổng công ty theo đúng tiến độ đề ra”, Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiền thân là Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam. VATM được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, với công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Bộ Giao thông vận tải thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tổng công ty.
Doanh nghiệp có số vốn điều lệ 3.827 tỷ đồng này là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được giao cung cấp các dịch vụ công ích bảo đảm hoạt động bay cho tất cả các tàu bay dân dụng hoạt động tại các cảng hàng không toàn quốc; trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý, cùng các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác.
30 năm qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Liên tục trong nhiều năm, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là đơn vị dẫn đầu ngành hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả như: tổng thu điều hành bay ước đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt trên 32 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.