Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM): Doanh thu dự kiến "lao dốc" 34% nếu dịch Covid kéo dài
Tổng doanh thu năm 2021 Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) tiếp tục lao dốc, chỉ bằng khoảng 76% so với thực hiện của năm 2020, bằng 1/3 doanh thu trước dịch...
Theo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty bị sụt giảm nghiêm trọng, giảm 32,36% so với sản lượng 6 tháng đầu năm 2020 và khoảng 62% so cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, doanh thu của VATM chỉ đạt 1.891 tỷ đồng, bằng 44% so với thực hiện của năm 2019.
Hoạt động hàng không thương mại bị ngưng trệ do chính sách hạn chế đi lại của các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã làm cho sản lượng điều hành bay của Tổng công ty sụt giảm nghiêm trọng.
Dự kiến sản lượng điều hành bay VATM cả năm 2021 bằng khoảng 67% so với thực hiện của năm 2020. Tổng doanh thu năm 2021 dự kiến tiếp tục sụt giảm và chỉ bằng khoảng 76% so với thực hiện của năm 2020. Những con số ước tính này sẽ còn thấp hơn nữa nếu tình hình đại dịch kéo dài trong nhiều tháng tới.
Ngoài ra, theo đại diện Tổng Công ty, doanh thu của VATM còn bị ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán tiền điều hành bay cho VATM.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ áp dụng chính sách giảm giá điều hành bay đi, đến quốc nội bằng 50% mức giá quy định để giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không trong nước, làm tăng thêm khó khăn cho tình hình tài chính của VATM.
Thực tế, mức thu giá điều hành bay đi, đến hiện nay không đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ mà VATM phải bỏ ra.
Tình hình tài chính khó khăn đã tác động nặng nề đến việc tích lũy và cân đối vốn cho đầu tư phát triển trong điều kiện Tổng công ty đang triển khai, thực hiện hàng loạt các dự án trọng điểm, quan trọng phục vụ trực tiếp nhiệm vụ điều hành bay và ưu tiên phải hoàn thành trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 như dự án “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án “Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1”; dự án ‘Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh”; dự án đầu tư các trạm Rada…
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, dự kiến tiền lương năm 2021 còn khó khăn hơn nữa. Mức sụt giảm thu nhập này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và hoạt động của Tổng công ty.
Để một người lao động mới tuyển dụng có thể đảm nhận vị trí làm việc độc lập trong dây chuyền cung cấp dịch vụ thì cần thời gian khoảng 3 đến 5 năm đối với kiểm soát không lưu, và khoảng 2 năm đối với các dịch vụ còn lại như thông tin, dẫn đường, giám sát, thông báo tin tức hàng không, khí tượng hàng không, tìm kiếm cứu nạn hàng không.
"Nếu tình hình thu nhập tiếp tục sụt giảm, Tổng công ty có thể đối mặt với khó khăn là tình trạng thiếu lao động cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong giai đoạn khi hoạt động bay phục hồi trở lại, đại diện VATM lo ngại.