Hàng không và "nhiệm vụ thế kỷ": Vận chuyển vắc-xin Covid-19
"Đây sẽ là chiến dịch hậu cần phức tạp và lớn nhất trong lịch sử. Cả thế giới đang trông chờ vào các hãng hàng không"
Tại các kho lạnh của sân bay Frankfurt (Đức), hãng hàng không Lufthansa đang chuẩn cho một nhiệm vụ chưa từng có trong lịch sử: Vận chuyển hàng tỷ liều vắc-xin ra toàn cầu để chấm dứt đại dịch Covid-19.
Theo Fortune, từ tháng 4, Lufthansa - một trong những hãng hàng không chở hàng lớn nhất thế giới - đã bắt đầu lên kế hoạch vận chuyển khi các loại vắc-xin Covid-19 của Pfizer, Moderna hay AstraZeneca đang được nghiên cứu, phát triển với tốc độ kỷ lục.
Khoảng 20 nhân viên của Lufthansa đang tích cực làm việc để tìm cách đưa nhiều hàng hóa nhất có thể lên 15 chuyên cơ chở hàng Boeing 777 và MD-11, cũng như đội máy bay chở khách khổng lồ hiện chỉ đang khai thác 25% của hãng.
Đây là nhiệm vụ chưa từng có trong lịch sử của ngành hàng không thế giới và càng khó khăn hơn bởi nhiều hãng bay đang rơi vào khủng khoảng sau khi sa thải hàng chục nghìn nhân viên, cắt giảm đường bay trước tác động của đại dịch Covid-19.
"Đây sẽ là chiến dịch hậu cần phức tạp và lớn nhất trong lịch sử", Alexandre de Juniac, giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhận xét. "Cả thế giới đang trông chờ vào các hãng hàng không".
IATA nhận định việc vận chuyển và phân phối vắc-xin cho hàng tỷ người trên thế giới sẽ là "nhiệm vụ thế kỷ" với ngành hàng không và nhiệm vụ này đang đứng trước loạt thách thức lớn.
NĂNG VỰC VẬN TẢI HÀNG HÓA
IATA ước tính sẽ cần tới 8.000 máy bay Boeing 747 (tải trọng 100 tấn) và 2 năm để vận chuyển vắc-xin Covid-19 tới khoảng 7 tỷ dân trên toàn cầu. Đây là "đơn hàng" khổng lồ trong bối cảnh khoảng 1/3 máy bay chở khách trên thế giới vẫn phải "đắp chiếu", theo dữ liệu của hãng phân tích Cirium.
Thế giới hiện có khoảng 2.000 máy bay chở hàng chuyên dụng - phụ trách vận tải khoảng 50% tổng lượng hàng hóa trên đường hàng không. 50% còn lại được vận chuyển bởi khoảng 22.000 máy bay chở khách.
Vì các máy bay chở hàng đã quá tải, lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không đã sụt giảm mạnh do hàng loạt máy bay chở khách phải ngừng hoạt động vì dịch Covid-19. Các hãng hàng không đã sử dụng khoảng 2.500 máy bay chở khách để thực hiện riêng nhiệm vụ chở hàng. Tuy nhiên, việc phân phối vắc-xin sẽ dễ dàng hơn nếu các máy bay được khai thác với tần suất bình thường tới các điểm đến thường xuyên của mình.
Ít nhất ở thời điểm hiện tại, việc vận chuyển cũng gặp hạn chế khi các máy bay chở hàng đang bước vào mùa cao điểm, đặc biệt là khi sốt mua sắm mùa Giáng sinh sẽ càng nóng hơn do dịch Covid-19 năm nay.
Hãng dược Pfizer dự kiến đưa ra thị trường khoảng 1,3 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm nay. Trong khi đó, Moderna - đã xin cấp phép vắc-xin tại Mỹ và châu Âu ngày 1/12 - dự kiến sản xuất khoảng 500 triệu liều. Còn hãng dược AstraZeneca của Anh có khả năng sản xuất 2 tỷ liều, trong đó một nửa dự kiến được phân phối tới các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Theo Glyn Hughes, giám đốc toàn cầu phụ trách vận tải của IATA, để đưa thêm nhiều máy bay chở khách trở lại khai thác, các chính phủ cần mở lại biên giới, cho phép người dân đi lại.
YÊU CẦU BẢO QUẢN VẮC-XIN
Những yêu cầu về bảo quản vắc-xin trong quá trình vận chuyển là một rào cản lớn với "nhiệm vụ thế kỷ" này. Vắc-xin do Pfizer và BioNTech đồng phát triển phải được vận chuyển ở nhiệt độ -70 độ C, lạnh hơn mùa đông ở Nam Cực. Hai công ty này đang có kế hoạch sử dụng cảm biến nhiệt hỗ trợ GPS để theo dõi vị trí và nhiệt độ của từng lô vắc-xin trên đường vận chuyển.
Khi đến nơi, vắc-xin này phải được trữ trong các tủ đông nhiệt độ cực thấp để có thể dùng trong 6 tháng hoặc trữ trong tủ lạnh thông thường ở bệnh viện (nhiệt độ từ 2-8 độ C) nhưng chỉ dùng được trong 5 ngày. Ngoài ra, vắc-xin cũng có thể được trữ tạm thời trong các thùng nhiệt đặc biệt của Pfizer và đổ đầy đá khô lên trên để giữ trong 15 ngày. Một khi đã rã đông, vắc-xin không thể đông trở lại.
Toàn bộ quy trình vận chuyển và lưu trữ vắc-xin phải được kiểm soát nghiêm ngặt, từ nhà máy cho tới bệnh viện cũng như tất cả các điểm ở giữa. Hầu như không máy bay nào có khả năng giữ lạnh các mặt hàng như vậy. Thay vào đó, các hãng hàng không sẽ phải dùng các hộp đựng chuyên dụng của Pfizer.
Tuy nhiên, việc vận chuyển vắc-xin không chỉ liên quan tới các hãng hàng không. Ô tô, xe buýt, xe tải hay thậm chí xe gắn máy, xe đạp... có thể sẽ được cần đến để đưa vắc-xin tới từng khu vực xa xôi. Ở một số nơi, thậm chí phải đi bộ để vận chuyển vắc-xin.
"Nhưng không phải nơi nào cũng có các thiết bị giữ lạnh sâu", Adar Poonawalla, CEO của Serum Institute of India, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, cho biết. Công ty này đang hợp tác với 5 công ty phát triển vắc-xin Covid-19 và dự kiến sản xuất 40 triệu liều cho AstraZeneca.
Hiện tại, các hãng hàng không United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines đều đang chuẩn bị cho công tác vận chuyển vắc-xin của Pfizer. American Airlines hiện có cả container được kiểm soát nhiệt độ và các lô hàng đóng gói sẵn với túi lạnh hoặc đá khô. Trong khi đó, Delta mới đây bắt đầu cho phép sử dụng các container được kiểm soát nhiệt độ Opticooler RAP của DoKaSch GmbH. Hãng này cũng tăng mức đá khô được sử dụng trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Điều này có nghĩa là, chỉ 50% tải trọng cho phép của máy bay được dùng cho vắc-xin, còn lại dành cho các thiết bị và dụng cụ giữ lạnh.
Ngày 1/12, American Airlines cho biết hãng này đã bắt đầu thử nghiệm quy trình đóng gói và giữ nhiệt cho vắc-xin Covid-19 trên máy bay Boeing Co. 777-200 từ Miami đến Nam Mỹ từ giữa tháng 11.
Ngoài những thách thức trên, IATA cũng quan ngại về các nguy cơ như vắc-xin giả hoặc gián đoạn trong hoạt động phân phối.
Katherine O'Brien, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ví nhiệm vụ phân phối sau quá trình phát triển vắc-xin kéo dài nhiều tháng với việc chinh phục đỉnh núi Everest khi đã đến được trạm căn cứ.
"Hành trình leo (từ trạm căn cứ) lên đỉnh núi giống như việc phân phối vắc-xin vậy", bà O'Brien nhận xét khi nói về những khó khăn trước mắt dù thế giới đã phát triển được các loại vắc-xin có hiệu quả cao.