Hỗ trợ người lao động là hỗ trợ động lực tăng trưởng kinh tế
Các đại biểu Quốc hội cho rằng để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường, mới cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động và tạo động lực để họ quay lại làm việc...
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng 8/11, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) đặc biệt quan tâm tới vai trò của việc phục hồi thị trường lao động sau thời gian bị đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4.
Theo đại biểu, để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc.
“Đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Cụ thể cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động và kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn và tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Cùng với đó, đại biểu kiến nghị triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường”, đại biểu đoàn Hà Nam nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhìn nhận thị trường lao động gặp nhiều khó khăn khi người lao động đối mặt tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng, dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn phức tạp và khó khăn.
Do đó, đại biểu đề nghị, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân để duy trì lại nguồn cung lao động an toàn, cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp. Cùng với đó, mở rộng các chương trình trình đào tạo hướng nghiệp, phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng cho rằng cần tập trung kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động, công đoàn các cấp, cơ quan, xí nghiệp cần hỗ trợ người động chăm sóc con cái khi trường học chưa được mở cửa bình thường.
Về phía doanh nghiệp, đại biểu kiến nghị đẩy mạnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải các thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản thuận tiện, nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Tăng nguồn vốn, giải quyết việc làm cho cách ngành hàng, ưu tiền ngành hàng, ngành nghề giải quyết nhiều lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ tại quê nhà.
Nhấn mạnh thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, là hạn chế lơn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đại biểu đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đạo tạo, đổi mới và triển khai các hcinsh sách đạo tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế.
“Cần đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tránh đào tạo tràn lan, tốn kém nhưng lại không đáp ứng yêu cầu thực tế”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2021, tăng dần lên 12,2 triệu người trong quý II/2021 và tính riêng trong quý 3/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người chịu ảnh hưởng.
Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Tiền lương thu nhập giảm, lương bình quân của người lao động giảm còn 5,2 triệu đồng/lao động, đã giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 so với 2020. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm trong quý 3 là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước.
Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%.
Thứ trưởng cho biết có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh, lao động giảm làm lượng lao động bị dịch chuyển từ các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực.