Hòa Phát tiếp tục báo lỗ tăng mạnh, gần 2.000 tỷ đồng trong Quý 4/2022
Tập đoàn Hòa Phát vừa báo cáo lợi nhuận sau thuế âm gần 2 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng so với quý 3 trước đó...
Quý 4/2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 26 nghìn tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế âm gần 2 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng so với quý 3 trước đó.
Trước đó, quý 3/2022, tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế ở mức âm 1.786 tỷ đồng, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142 nghìn tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Năm 2022, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC).
Đóng góp chính vào sản lượng bán hàng là thép xây dựng và HRC. Thép xây dựng ghi nhận 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ và đóng góp 59% trong tổng sản lượng thép các loại. Trong đó xuất khẩu đóng góp gần 1,2 triệu tấn. Thị phần trong nước tiếp tục được củng cố ở vị trí dẫn đầu với gần 35%.
Sản phẩm Ống thép của Hòa Phát cũng ghi nhận mức tăng sản lượng khoảng 11% so với năm 2021. Thị phần dẫn đầu cả nước với 28,5%.
Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát giảm mạnh trong những quý cuối của năm 2022 do nhu cầu thép suy yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu kém tích cực.
Tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong 11 tháng đầu năm 2022 giảm 3,8% so với cùng kỳ do kênh xuất khẩu giảm sút. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và ống thép trong đó kênh nội địa đóng góp 80~90% tổng doanh thu tăng 4~5% so với cùng kỳ nhờ mức nền so sánh thấp trong năm 2021.
Tuy nhiên, sản lượng tôn mạ giảm 22% so với cùng kỳ do xuất khẩu giảm mạnh 37%, vốn chiếm 63% doanh thu tôn mạ trong năm 2021. Xuất khẩu giảm do nhu cầu toàn cầu chậm lại, đặc biệt là tại thị trường Mỹ và Châu Âu.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu toàn cầu ước tính giảm 2,3% trong năm 2022 sau khi phục hồi 2,8% trong năm 2021. Nhu cầu từ thị trường Châu Âu ước tính sẽ giảm 3,5% trong năm 2022 sau khi tăng 18,1% trong năm 2021, trong khi nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ cũng cho thấy diễn biến tương tự, với tăng trưởng nhu cầu ước tính giảm tốc từ mức 21,3% cho năm 2021 xuống 2,1% năm 2022.
Nhu cầu trong nước cũng suy yếu đáng kể trong nửa cuối năm. Doanh thu trong nước đạt mức cao nhất trong tháng 3 cả về giá trị tuyệt đối và mức tăng trưởng hàng năm. Kết quả này là do nhu cầu bị dồn nén và giá thép tăng đã khuyến khích các nhà phân phối tích trữ hàng tồn kho.
Tuy nhiên, nhu cầu có xu hướng giảm nhanh hơn dự kiến từ nửa cuối năm 2022 do lãi suất tăng cũng như sự biến động trên thị trường bất động sản. Cụ thể, sau khi tăng 15% so với cùng kỳ trong quý 1 năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm từ tháng 4 đến tháng 11 đã giảm 4% so với cùng kỳ, mặc dù quý 3/2021 ghi nhận mức cơ sở thấp. Sản lượng tiêu thụ trong quý 2 năm 2022 và giai đoạn tháng 10~ tháng 11/2022, thường là mùa cao điểm, lần lượt giảm 19% và 12% so với cùng kỳ.
So với mức trước covid, doanh thu bán hàng trong nước trong 11 tháng đầu năm 2022 đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2023, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Theo đánh giá của SSI Research, nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Dự báo xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60~75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới.
Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021.