Hướng dẫn, yêu cầu các tỉnh lập kế hoạch đảm bảo mạng viễn thông trong tình huống khẩn cấp
Sau cơn bão số 3, nhiều bài học đã được rút ra từ thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long hướng dẫn, yêu cầu các tỉnh lập kế hoạch về đảm bảo viễn thông trong tình huống khẩn cấp, như thiên tai, lũ lụt… Quan trọng nhất là khi thiên tai không được để gián đoạn sự điều hành của chính quyền các cấp...
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 12/9, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cho biết đến nay, công tác khắc phục trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cơ bản đã hoàn thành, thông tin liên lạc đã thông suốt.
CẦN PHƯƠNG ÁN ĐẢM BẢO THÔNG TIN LIÊN LẠC TRONG TÌNH HUỐNG ĐẶC BIỆT
Trong cơn bão vừa qua, toàn bộ mạng lưới viễn thông gần như tê liệt vì sức gió lên đến cấp 17, mạnh chưa từng có tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục cơ bản đã hoàn thành. Đến 16h chiều ngày 11/9, khoảng 80% mạng lưới viễn thông của ba nhà mạng tại Quảng Ninh đã vận hành thông suốt.
Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh kiến nghị cần xem xét lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực viễn thông để có thể chống chọi với các thảm họa thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.
Đồng thời, cũng cần phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong tình huống đặc biệt, khẩn cấp phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền.
Về công tác truyền thông, trong thời gian bão lụt, hệ thống loa truyền thanh bị tê liệt do mất điện, do cây đổ… nên cần có các phương án truyền thông khác thay thế.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng chia sẻ, trước bão, Sở cùng với các doanh nghiệp viễn thông đã hạ tải 87 trạm BTS. Sau bão, gẫy đổ 48 trạm BTS. Hiện nay, 90% nội thành Hải Phòng đã được phủ sóng của cả 3 nhà mạng.
Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đề xuất việc sử dụng điện thoại vệ tinh cho Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão thành phố.
Trong thời gian sắp tới, Hải Phòng tiếp tục công tác ngầm hoá hạ tầng viễn thông, vốn đã làm rất tốt thời gian qua, cũng như lên phương án với các nhà mạng về việc xây dựng nhà trạm kiên cố dùng chung tới cấp huyện, nhằm đảm bảo an toàn mạng lưới trong trường hợp khẩn cấp.
NHỮNG BÀI HỌC CHO HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TỪ BÃO SỐ 3
Sau cơn bão số 3, có nhiều bài học đã được rút ra từ thực tiễn để tăng cường chuẩn bị cơ sở hạ tầng viễn thông cho những tình huống thiên tai tương tự có thể xảy đến trong tương lai.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo Cục Viễn thông rút những bài học kinh nghiệm thực tiễn vừa qua từ các tỉnh, từ đó có hướng dẫn, yêu cầu các tỉnh lập kế hoạch về đảm bảo thông tin, viễn thông trong tình huống khẩn cấp, như thiên tai, lũ lụt… Quan trọng nhất là khi thiên tai không được để gián đoạn sự điều hành của chính quyền các cấp.
Cụ thể, đến cấp huyện phải có 3 nhà trạm có độ kiên cố cao (cột vững chắc, máy nổ dự phòng được lâu dài, truyền dẫn cáp quang ngầm) để phục vụ hoạt động điều hành của chính quyền khi có tình huống khẩn cấp. Các nhà mạng có thể dùng chung các nhà trạm kiên cố này để tối ưu hoá chi phí, đồng thời đẩy mạnh công tác ngầm hoá.
Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng đề cập đến việc chia sẻ sóng (roaming) giữa các nhà mạng khi có tình huống khẩn cấp. Đây là cách làm tốt, triển khai nhanh trong cơn bão số 3 vừa qua.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân chưa biết cách chuyển đổi mạng khi cần, làm giảm hiệu quả của phương án roaming. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông phải thông báo và hướng dẫn người dân về cách chọn mạng tự động trước khi bão đổ bộ, bảo đảm thông tin không bị gián đoạn.
Theo Bộ trưởng, các Sở Thông tin và Truyền thông phải đưa những vấn đề này vào thành kế hoạch chống lụt bão của địa phương mình. Mạng lưới viễn thông hiện nay không chỉ còn là hạ tầng nghe gọi mà đã trở thành hạ tầng số, là hạ tầng của nền kinh tế, nên cần phải an toàn.
Bên cạnh đó, việc ngầm hóa hạ tầng viễn thông là rất quan trọng. Đây là giải pháp mang tính lâu dài, giúp hạn chế tối đa thiệt hại khi bão xảy ra.
Về việc đo lường sóng di động tại các địa phương, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đề nghị các tỉnh xây dựng kế hoạch đo sóng di động đến cấp xã, tăng người dùng công cụ đo, từ đó tạo ra bức tranh toàn cảnh về chất lượng sóng di động trên phạm vi toàn quốc. Bộ đã hoàn thiện phương tiện đo sóng, hướng dẫn cách làm, còn việc phủ sóng di động đến xã đạt được mục tiêu yêu cầu là vấn đề của các địa phương.
Bên cạnh đó, mạng Wi-Fi trong mỗi hộ gia đình là một phần của hạ tầng viễn thông. Khi có đường truyền cáp quang Internet mới có Wi-Fi, nên việc đưa cáp quang đến từng hộ gia đình được xem là chiến lược quan trọng...