Hướng tới mức tiền lương đủ sống để phát triển công tác dân số
Cử tri phản ánh nước ta đang đối mặt với những thách thức lớn về dân số. Còn theo các chuyên gia, về lâu dài cần có giải pháp để đảm bảo người lao động có tiền lương đủ sống, nuôi được con. Từ đó, mới thúc đẩy công tác dân số phát triển...
Ngày 7/8, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An gửi đến trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV liên quan đến vấn đề dân số.
TƯƠNG LAI SẼ THỪA NAM, THIẾU NỮ KHI KẾT HÔN
Theo đó, cử tri phản ánh hiện nay, nước ta đang đối mặt với những vấn đề thách thức lớn về dân số. Việt Nam đang là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh gia tăng. Vì vậy, cử tri kiến nghị sớm sửa đối chính sách dân số để giải quyết những vấn đề đặt ra hiện nay.
Trả lời vấn đề cử tri quan tâm, Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự thành công của công tác dân số đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những thành công của công tác dân số, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, và tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh đang gia tăng.
Theo số liệu Điều tra Dân số năm 2022, tỷ lệ người từ đủ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 12,6% dân số. Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy đến năm 2038, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20,21%.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, kết quả năm 2023 đạt 73,7 tuổi. Tuổi thọ trung bình tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, và chăm sóc sức khỏe nói riêng.
Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn, về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí...Đặc biệt là tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội, và các dịch vụ chăm sóc y tế.
Bộ Y tế đánh giá việc mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một thách thức lớn. Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta là 109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên. Đến năm 2023, tỷ số này ở mức 112 bé trai/100 bé gái.
Mặc dù tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên vẫn chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai, gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Y tế cho rằng công tác dân số đòi hỏi phải có những đổi mới để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản.
Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới, với quan điểm trọng tâm là: Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình, sang dân số và phát triển.
Công tác dân số phải chú trọng toàn điện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số, và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
THU NHẬP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN ĐỦ NUÔI ĐƯỢC CON
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017, giao các Bộ, ngành xây dựng, trình Luật Dân số và sửa đổi 6 luật; giao 12 Bộ, ngành xây dựng, triển khai 32 chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể.
Theo Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện nội dung hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số.
Trong đó, tập trung vào các nội dung như: (1) Duy trì mức sinh thay thế; (2) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; (3) Thích ứng với già hóa dân số, dân số già; (4) Phân bố dân số hợp lý; (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, chiều 6/8, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng nhấn mạnh việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay là rất cần thiết.
Qua đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.
Đồng thời, có các biện pháp ứng phó với tốc độ già hoá dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước. Hướng đến năm 2045, Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao... nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đề cập đến giải pháp để phát triển dân số, đất nước bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, cho rằng để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thì thu nhập của một gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con).
Theo ông, Chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động cần thống nhất nhận thức và giải pháp, để gia đình có 2 người đi làm có đủ thu nhập để nuôi dạy, cho học hành đàng hoàng 2 người con. Đặc biệt, ông đề xuất cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống cho gia đình 4 người.
Thời gian làm việc của người lao động cũng cần đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình, và sở thích riêng tư.
Bên cạnh đó, cần có thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của Nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà, với giá cả chấp nhận được, để việc không có nhà không trở thành một điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn.
Ngoài ra, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp cũng cần hướng đến khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa việc làm và có gia đình, có con…