Huy động trái phiếu Chính phủ liên tục ế, mới hoàn thành 10,9% kế hoạch năm
Tính đến hiện tại, chỉ có 10,9% kế hoạch phát hành năm và 1,8% kế hoạch Quý được thực hiện. Diễn biến này được dự báo vẫn sẽ kéo dài trong thời gian tới...
Ghi nhận trên thị trường Trái phiếu Chính phủ tuần qua (11/4-18/4), Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 6.000 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, chỉ có 120 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 30 năm. Các kỳ hạn thất bại hoàn toàn gồm 7 năm, 10 năm và 15 năm.
Diễn biến trên chủ yếu do hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nhu cầu về trái phiếu Chính phủ tương đối yếu. Thể hiện ở tỷ lệ đăng ký thầu chỉ ở mức 1,6 lần so với khối lượng gọi thầu, trong khi bình quân năm 2021 là khoảng 2,4 lần.
Thứ hai, lãi suất đăng ký ở các kỳ hạn đều tăng mạnh, điều này cho thấy các thành viên tham gia thị trường đang đặt kỳ vọng rất lớn vào đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, do Kho bạc Nhà nước chưa gặp phải áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ để tài trợ các dự án (giải ngân đầu tư công trong quý 1/2022 chỉ đạt 11% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ) nên cung cầu vẫn chưa thể gặp nhau.
Với khối lượng trúng thầu như trên, tính đến hiện tại chỉ có 10,9% kế hoạch phát hành năm và 1,8% kế hoạch phát hành quý được thực hiện.
Theo giới chuyên môn, mặc dù kỳ vọng đầu tư công sẽ được tập trung giải ngân hơn trong thời gian tới, áp lực giải ngân vẫn chưa lớn trong Quý 2 và nguồn cung sẽ chưa có sự cải thiện nhiều.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ trên 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp vẫn được duy trì khiến nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ vẫn thận trọng. Cụ thể, tại kỳ hạn 30 năm, lãi suất trúng thầu gần nhất trên sơ cấp là 3,01%/năm, còn trên thứ cấp là 3,25%/năm
Nhìn chung, giao dịch trên thị trường sơ cấp sẽ tương đối trầm lắng trong thời gian tới do tác động cả từ phía cung và phía cầu.
Quay lại với diễn biến tuần trước, nhưng ở thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước bơm thêm gần 1.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Trái lại, trên kênh cầm cố (OMO) có 3.800 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, tuần qua, nhà điều hành đã hút ròng gần 2.800 tỷ đồng. Điều này khiến khối lượng trên kênh cầm cố giảm xuống chỉ còn 2.400 tỷ đồng, tương đương số tiền các tổ chức tín dụng đang vay nóng Ngân hàng Nhà nước.
Số tiền bị rút ròng khá nhỏ nên thanh khoản hệ thống vẫn có thể tự điều tiết. Qua đó, lãi suất liên ngân hàng VND vẫn duy trì ở mặt bằng như ở thời điểm đầu tháng 4/2022. Thậm chí, ở một vài kỳ hạn ngắn, lãi suất VND liên ngân hàng còn có xu hướng giảm nhẹ.
Mới nhất, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023 (ngắn hơn so với đề xuất từ Ngân hàng Nhà nước là đến 2025).
Điều đáng nói, việc Nghị Quyết 42 được kéo dài đến cuối 2023 giống như một biện pháp trong gói hỗ trợ kinh tế 2022 -2023, hướng tới tới nền kinh tế. Cũng nhờ việc kéo dài trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng ít nhiều cũng được hưởng lợi.