Kế hoạch Made in China 2025 của Trung Quốc đang được thực hiện đến đâu?

Ngọc Trang
Chia sẻ

Chỉ còn 8 tháng nữa tới thời hạn 2025, nhiều người đặt câu hỏi kế hoạch Made in China 2025 đang được thực hiện đến đâu...

Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc được công bố vào năm 2015 - Ảnh: www.gov.cn
Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc được công bố vào năm 2015 - Ảnh: www.gov.cn

Năm 2015, Trung Quốc đề ra kế hoạch 10 năm đầy tham vọng mang tên “Made in China 2025” với mục tiêu đạt được sự tự chủ, đổi mới sáng tạo và sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất.

Trong quá trình triển khai kế hoạch này, chiến tranh thương mại với Mỹ là một trong những yếu tố lớn nhất cản trở Bắc Kinh đạt các mục tiêu. Giờ đây, chỉ còn 8 tháng nữa tới thời hạn 2025, nhiều người đặt câu hỏi kế hoạch này đang được thực hiện đến đâu.

HOÀN THÀNH 86% MỤC TIÊU

Khi kế hoạch này được công bố, hầu hết ô tô trên đường phố Trung Quốc đến từ các thương hiệu phương Tây, còn bầu trời hoàn toàn là máy bay của nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ hoặc Airbus của châu Âu. Khi đó, nhiều nhà máy của Trung Quốc không thể hoạt động nếu không có máy móc nhập khẩu. Con chip, hệ điều hành, phần mềm trong máy tính, điện thoại di động chủ yếu do Mỹ phát triển.

Thậm chí, cơ sở dữ liệu của các ngân hàng cũng phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia để viết code và bảo trì. Thời điểm đó, Trung Quốc đứng ở nhóm dưới trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu, chủ yếu sản xuất sản phẩm giá rẻ và có hàm lượng chất xám thấp.

Made in China 2025 được đưa ra nhằm thay đổi tất cả những điều này, giúp ngành sản xuất của Trung Quốc cho ra những sản phẩm chất lượng cao, công nghệ cao và có giá trị cao, thông qua cải tiến về khoa học và công nghệ.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó gây khó khăn cho kế hoạch này với việc khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đưa nhiều công ty công nghệ cao của Trung Quốc vào danh sách đen, áp đặt thuế nhập khẩu cao với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Washington cũng tiến hành một loạt các cuộc điều tra trên toàn quốc với các nhà khoa học Mỹ hợp tác với Trung Quốc. Sau khi trở thành tổng thống năm 2021, ông Joe Biden tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm vào Trung Quốc như ban hành lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất chip cho quốc gia châu Á.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: SCMP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: SCMP

Kể từ khi chiến thương mại nổ ra, Chính phủ Trung Quốc ít đề cập công khai về kế hoạch Made in China 2025. Nhiều tài liệu liên quan được gỡ bỏ khỏi các trang web.

Tuy nhiên, theo thống kê của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) từ một số cuốn sách được xuất bản 10 năm trước và một số nguồn chính thức, Made in China 2025 có hơn 260 mục tiêu nằm trong 10 lĩnh vực chủ chốt, trong đó có nhiều mục tiêu liên quan tới công nghệ phức tạp và có độ chuyên môn hóa cao.

Phân tích của SCMP cho thấy hơn 86% các mục tiêu này đã được hoàn thành, một số khác có thể sẽ được hoàn thành trong năm nay hoặc năm sau. Trong đó, một số mục tiêu, như sản xuất xe điện và năng lượng tái tạo, vượt xa mức đề ra.

Những kết quả từ Made in China 2025 đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong xã hội Trung Quốc.

Doanh số xe điện tại Trung Quốc hiện đã vượt qua doanh số xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, trong chủ yếu là các thương hiệu ô tô Trung Quốc. Máy bay chở khách do Trung Quốc sản xuất C919 đã bắt đầu phục vụ một số chặng bay đông đúc nhất. Sự phổ biến rộng rãi của công nghệ 5G cho phép hành khách đi tàu ở Trung Quốc tận hưởng internet công nghệ cao, kể cả khi tàu đi qua đường hầm. Trung Quốc giờ đây có nhiều nhà máy thông minh và nhà ga tự động nhất thế giới. Điện thoại cao cấp sử dụng con chip và hệ điều hành do các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển hiện là các loại bán chạy nhất. Công suất đóng tàu của Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ gấp hơn 200 lần.

ÁP LỰC TỪ PHƯƠNG TÂY

Một số mục tiêu vẫn chưa được hoàn thành, bao gồm công nghệ quang khắc dùng trong sản xuất mạch điện tử, sản xuất máy bay chở khách liên lục địa và mạng internet vệ tinh băng thông rộng. Năm 2024, Chính phủ Trung Quốc đề xuất một kế hoạch tham vọng khác, đó là phát triển các “động lực sản xuất mới”, được xem là sự tiếp nối của sáng kiến Made in China 2025.

Hiện tại, khi đối mặt với làn sóng hàng hóa công nghệ cao giá rẻ từ Trung Quốc – đặc biệt là tấm năng lượng mặt trời, turbine gió cỡ lớn, xe điện – phương Tây đang cân nhắc đưa ra một vòng trừng phạt và chiến tranh thương mại mới nhằm vào quốc gia châu Á.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các biện pháp này không chắc sẽ mang lại hiệu quả. Bởi lẽ, các biện pháp hạn chế mà phương Tây đã áp đặt với Trung Quốc đến nay không mấy hiệu quả , thậm chí phản tác dụng.

Lĩnh vực mà Trung Quốc đối mặt khó khăn nhất do các biện pháp của phương Tây là ngành công nghệ thông tin. Mỹ và các nước đồng minh không chỉ ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip cao cấp mà còn khiến các sản phẩm viễn thông do Trung Quốc sản xuất, như trạm gốc 5G, khó tiếp cận thị trường Mỹ và châu Âu. Doanh thu sụt giảm khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp áp lực trong việc đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.

Bất chấp những thách thức này, Trung Quốc đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra về mạch điện tử tích hợp, thiết bị viễn thông, hệ điều hành, phần mềm công nghiệp và sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây có thể sản xuất các sản phẩm giá trị cao như server, CPU, ổ cứng SSD, cáp quang tốc độ cao, hệ điều hành công nghiệp, hệ thống dữ liệu lớn. Một số sản phẩm trong số này đã giành được thị phần tương đối lớn. Trung Quốc cũng có thể sản xuất điện thoại thông minh có tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính cạnh tranh cao.

Máy bay thương mại C919 do Trung Quốc sản xuất - Ảnh:  Xinhua
Máy bay thương mại C919 do Trung Quốc sản xuất - Ảnh:  Xinhua

Trong lĩnh vực công nghệ quang khắc, Huawei Technologies đã đạt được một số thành công nhất định trong việc sản xuất con chip cao cấp. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đạt được mục tiêu công nghiệp hóa công nghệ quang khắc EUV tiến tiến nhất. Mục tiêu sản xuất thiết bị đo lường và nhận diện tự động cũng chưa đạt được, một phần do các biện pháp hạn chế của Mỹ. Theo dữ liệu mới nhất, các thiết bị đo thông minh nhất và thiết bị phân tích thành phần trực tuyến trên thị trường Trung Quốc hiện vẫn là các thương hiệu nước ngoài.

Trong lĩnh vực xe điện, các phương tiện công nghệ cao do Trung Quốc sản xuất đang bắt đầu dành thị phần quốc tế, đưa Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong năm 2023. Trong kế hoạch Made in China 2025, Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa doanh số xe điện hàng năm đạt 3 triệu chiếc vào năm 2025. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc năm ngoái đã bán gần 10 triệu xe điện, trong đó riêng công ty BYD bán được 3 triệu xe.

Xe điện Trung Quốc không chỉ cạnh tranh về giá và còn có chất lượng công nghệ đi trước một số đối thủ. Từ 10 năm trước, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu sản xuất xe điện giá rẻ, tính năng cao là một mục tiêu quốc gia. Ô tô điện thương hiệu Trung Quốc hiện có thể kết nối internet và nhiều tính năng giải trí phong phú – những mục tiêu được đề ra từ 10 năm trước.

Tất nhiên, một số mục tiêu được đánh giá là quá lạc quan. Ví dụ, yêu cầu đạt ra với pin xe điện là 400 watt giờ/kg, nhưng thực tế các sản phẩm trên thị trường Trung Quốc có pin điện chỉ đạt 200 watt giờ/kg. Mục tiêu phát triển tính năng lái tự động hoàn toàn vào năm 2025 dường như cũng còn quá xa vời.

Bên cạnh đó, ngoài Huawei, hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp Mỹ như NVIDIA về con chip lái tự động – điều này khiến mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa trong ô tô vẫn chưa đạt được. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành tin rằng tỷ lệ sử dụng con chip cao cấp nội địa trong xe điện Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể trong năm nay.

Trong lĩnh vực không gian vũ trụ vốn chịu cấm vận của Mỹ nhiều nhất, vệ tinh và tên lửa Trung Quốc không thể sử dụng con chip, linh kiện hay công nghệ của Mỹ. Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng bị cấm tiếp xúc với phía Trung Quốc.

Dù vậy, Trung Quốc đã đạt được hầu hết các mục tiêu trong lĩnh vực này, bao gồm thăm dò sao Hỏa, phát triển hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu BeiDou, xây dựng một trạm không gian, thăm dò bề mặt che khuất của Mặt trăng và xây dựng mạng lưới quan sát Trái đất bằng vệ tinh thương mại lớn nhất thế giới.

Một số công ty vũ trụ Trung Quốc cũng có kế hoạch phóng vệ tinh tái chế trong năm nay hoặc năm 2025. Vì vậy, mục tiêu này nhiều khả năng sẽ đạt được đúng thời hạn.

Trong lĩnh vực sản xuất robot, thiết bị nông nghiệp, dược sinh học và kỹ thuật biển, tất cả các mục tiêu đều đã đạt được. Các công ty Trung Quốc có thể thiết kế và sản xuất độc lập hệ thống cộng hưởng từ siêu dẫn tạo ra từ trường 5 tesla, cao hơn 70% so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, giá thành của sản phẩm này chỉ bàng 1/10 so với sản phẩm của phương Tây, giúp giảm chi phí chụp cộng hưởng từ (MRI) cho bệnh nhân.

Thuốc chống ung thư do Trung Quốc sản xuất cũng đã bắt đầu có mặt tại thị trường Mỹ, với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với sản phẩm tương tự của các hãng dược phương Tây.

Cải tiến về công nghệ cũng giúp Trung Quốc tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp. Dù diện tích canh tác có hạn, Trung Quốc sản xuất hơn 50% lượng rau toàn cầu nhờ sử dụng máy bay không người lái, máy gieo hạt tự động và công nghệ sinhhọc.

Các sản phẩm như chó robot do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất cũng đánh bại nhiều đối thủ quốc tế với hiệu suất đi đầu và giá thành rẻ.

Trung Quốc giờ đây cũng là công xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới, có khả năng sản xuất tất cả cá loại tàu dân sự, quân sự.

Lĩnh vực đạt được ít mục tiêu nhất trong Made in China 2025 là vật liệu mới, hiện mới hoàn thành 75% mục tiêu. Trong đó, mục tiêu chưa hoàn thành đáng chú ý là công nghiệp hóa bột hợp kim titan giá thành thấp, một số vật liệu siêu dẫn đặc biệt, vật liệu điện cực graphene có thể tăng gấp đôi phạm vi hoạt động của ô tô chạy bằng pin lithium-ion…

CHƯA BAO GIỜ GIẬM CHÂN TẠI CHỖ

“Trung Quốc về cơ bản đã đạt được tầm nhìn mà họ đề ra 10 năm trước”, ông Zang Jiyuan, học giả chuyên về nghiên cứu chiến lược sản xuất tại Viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE), nhận xét. “Phát triển sản xuất tại Trung Quốc chưa bao giờ giậm chân tại chỗ và sự kìm hãm của phương Tây càng đẩy nhanh nỗ lực đạt trạng thái tự chủ về công nghệ của Bắc Kinh”.

Trên thế giới, nhiều nước cũng từng khởi xướng kế hoạch thúc đẩy ngành sản xuất tương tự. Kế hoạch “Industry 4.0” của Đức được công bố vào tháng 4/2013, tập trung vào số hóa nguồn cung, hoạt động sản xuất và dữ liệu bán hàng trong quy trình sản xuất. Cùng thời điểm, Mỹ cũng đưa ra sáng kiến “Industrial Internet Revolution” nhằm cải tiến quy trình công nghiệp thông qua Internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn.

Tháng 5/2015, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng công bố kế hoạch đẩy mạnh số hóa lĩnh vực sản xuất. Pháp cũng có chương trình “New Industrial France” nhằm thúc đẩy số hóa và công nghệ thông minh.

Từ năm 2012, một nhóm dẫn đầu là các nhà nghiên cứu của CAE triển khai một hệ thống chấm điểm nhằm đo lường hiệu quả và sức mạnh của lĩnh vực sản xuất tại 9 nền kinh tế lớn.

Kết quả cho thấy Trung Quốc có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ qua. Bên cạnh tiêu chí về tổng sản lượng, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng các tiêu chí khác bao gồm kiệu quả kinh tế, sự đổi mới sáng tạo và cấu trúc công nghiệp của ngành sản xuất. Ví dụ, nếu ngành sản xuất của một quốc gia có nhiều thương hiệu được nhận diện toàn cầu hơn, có mức độ đầu tư vào nghiên cứu-phát triển hơn và lợi nhuận từ sản phẩm cao hơn, quốc gia đó sẽ được chấm điểm cao hơn.

Năm 2012, Trung Quốc được 89 điểm, đứng thứ 4 trên thế giới, trong khi Mỹ, Nhật và Đức chiếm 3 vị trí dẫn đầu với lần lượt 156, 126 và 119 điểm. Trong báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ 4 trong năm 2022, nhưng chênh lệch về điểm số với 3 quốc gia còn lại đã được thu hẹp. Cụ thể, Mỹ, Đức, Nhật và Trung Quốc lần lượt đạt 182, 133, 126 và 124 điểm. Nhìn vào các con số này có thể thấy Đức và Nhật có tốc độ cải tiến tương đối ổn định, trong khi Mỹ tăng tốc nhanh và bỏ xa các nước còn lại.

“Không có gì bàn cãi, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn dầu thế giới về sản xuất, đặc biệt là trong các ngành như công nghệ quân sự và không gian vũ trụ”, ông Zang nhận xét.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con