Khách quốc tế đến Việt Nam: Kết quả năm 2023, kỳ vọng năm 2024
Khách quốc tế đến Việt Nam có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kỳ vọng năm 2024 tiếp tục sẽ đạt kết quả cao hơn.
Du lịch thực chất là ăn chơi, là hoạt động của những người “lắm tiền nhiều của” không sợ tốn kém, họ nghỉ ngơi sau những ngày làm việc kiếm tiền; là những tuần trăng mật của những cặp đôi sau ngày kết hôn. Do vậy, đây là một kênh thu hút được tiền không nhỏ, một “mỏ vàng” đối với nhiều nước và vùng lãnh thổ.
DU KHÁCH ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG
Đối với nhiều nước và vùng lãnh thổ, số khách du lịch quốc tế cao hơn hoặc chiếm tỷ trọng cao so với dân số (năm 2019, tỷ lệ của Ma Cao là 2657,1%, Áo 358,4%, Hồng Kông (TQ) 371,3%, Bồ Đào Nha 240,8%, Tây Ban Nha 196,8%, Pháp 138,7%, UAE 117,3%, Italia 107%, Hà Lan 84%, Malaysia 85,7%, Thổ Nhĩ Kỳ 61,2%, Thái Lan 59,4%, Anh 58,6%,…).
Lượng USD thu được từ khách quốc tế của nhiều nước khá cao (Mỹ 214,5 tỷ USD, Tây Ban Nha 73,8 tỷ USD, Pháp 67,3 tỷ USD, Thái Lan 63 tỷ USD, Anh 51,9 tỷ USD, Itailia 49,3 tỷ USD, Australia 45 tỷ USD, Đức 43 tỷ USD, Nhật Bản 41,1 tỷ USD, Trung Quốc 40,4 tỷ USD,…). Việt Nam năm 2019 đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế, với kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt trên 11,8 tỷ USD, bằng trên 3,5% GDP, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối, góp phần nâng mức an toàn tài chính, ổn định thị trường ngoại hối,…
Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam là kết quả của quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập, đồng thời tạo tiền đề là cầu nối cho nhiều mối quan hệ đầu tư, thương mại, ngoại giao, chính trị- xã hội để thực hiện các mục tiêu đến năm 2020, 2030, 2045 Việt Nam là thành viên Liên hợp quốc, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, với Asean, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hơn 60 thị trường, có quan hệ với đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước…
Thu hút khách quốc tế là hình thức giới thiệu trực tiếp và sinh động hình ảnh của Việt Nam với thế giới. Hình ảnh của Việt Nam là sự thay đổi sau đổi mới, mở cửa, hội nhập, là sự thân thiện của con người Việt Nam; là các cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng trải rộng, trải dài khắp các vùng, miền; là sự hấp dẫn của ẩm thực đa dạng.
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, với nhiều bãi biển đẹp; có nhiều hang động, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới; có 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 3 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội,…
Thu hút khách quốc tế góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp dịch vụ du lịch và các hoạt động khác có liên quan. Hơn thế nữa, thu hút khách quốc tế sẽ giúp cho nhiều vùng sâu, vùng xa cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi bộ mặt của các điểm, các vùng; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, cơ cấu thu ngân sách, tăng GDP và GDP bình quân đầu người,…, đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu của cả nước ngoài.
Ngoài các yếu tố về kinh tế - xã hội, còn có các yếu tố về thời tiết, khí hậu không quá khắc nghiệt (nóng quá, lạnh quá,…); các yếu tố về sự ổn định chính trị, an ninh xã hội.
Ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút khách quốc tế, ngoài các yếu tố trên còn thể hiện giá cả so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ưu thế về giá cả do nhiều yếu tố, trong đó có chênh lệch tỷ giá (còn gọi là “cánh kéo” tỷ giá) giữa tỷ giá sức mua tương đương và tỷ giá hối đoái thực tế. Chênh lệch này của Việt Nam hiện ở mức trên 3 lần (tức 1 USD ở Việt Nam có sức mua cao gấp hơn 3 lần ở Mỹ) và cao hơn hệ số chênh lệch của nhiều nước và vùng lãnh thổ (Thụy Sĩ là 0,8, Australia 0,9, Đan Mạch 0,95 Canada 1, Áo 1,1, Bỉ 1,1, Nhật Bản 1,1, Đức 1,1, Hà Lan 1,1, Anh 1,1, Pháp 1,2, Hàn Quốc 1,3, Italia 1,3, Hồng Kông 1,3, Tây Ban Nha 1,4, Singapore 1,5, Bồ Đào Nha 1,5, Trung Quốc 1,5, Hy Lạp 1,6, Mexico 2,05, Nam Phi 2,1, Brunei 2,1, Philippines 2,5, Malaysia 2,6, Nga 2,7, Thái Lan 2,7).
Những nước và vùng lãnh thổ có hệ số chênh lệch thấp hơn của Việt Nam sẽ có sức hấp dẫn hơn về thu hút khách quốc tế và về xuất khẩu hàng hóa.
LƯỢNG KHÁCH ĐẾN CÓ DẤU HIỆU PHỤC HỒI
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng khá cao (với tốc độ hai chữ số) trước năm 2018, trong đó năm 2018 bình quân 100 dân đạt 16,2 lượt khách; đạt đỉnh vào năm 2019 (bình quân trên 100 dân số đạt gần 18,7 lượt khách). Tuy chỉ đứng thứ 52/117 nước và vùng lãnh thổ, nhưng mật độ bình quân 100 dân thì Việt Nam có thứ tự cao hơn một số nước.
Song do tác động của đại dịch Covid-19 diễn ra vào năm 2020 nên năm này đã giảm sâu và năm 2021 khi đại dịch bùng phát đã giảm rất sâu. Năm 2022 đã tăng rất cao so với 2 năm trước, nhưng vẫn còn thấp xa trước đại dịch (hình 1).
Năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam tuy chưa bằng với trước đại dịch và còn cách khá xa so với kỷ lục đã đạt được trong năm 2019, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi, lượng khách gấp trên 3,4 lần năm trước, hay tăng 8.941 nghìn lượt người. Bình quân 100 dân có 12,6 lượt khách, cao nhất kể từ năm 2020. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng theo các tháng. Nếu từ giữa năm 2023 về trước ở mức dưới 1 triệu lượt người, thì từ tháng 7/2023 đã đạt trên 1 triệu lượt người (hình 2).
Theo phương tiện đến: lượng khách đến bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 86,9%, tăng 234,1%; bằng đường biển chiếm tỷ trọng nhỏ (10%), nhưng lại tăng lớn nhất (gấp trên 4 lần), chủ yếu do khách đến từ Trung Quốc tăng mạnh sau khi nước này thay đổi chiến lược phòng chống đại dịch; bằng đường bộ chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (12,1%) và tăng 390,5% (hình 3).
Lượng khách tăng cao từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trong đó 10 nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất (hình 4).
Chỉ với 10 nước và vùng lãnh thổ này đã có 9575,6 nghìn lượt người, chiếm 76% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Điều đó chứng tỏ việc tăng, giảm lượng khách đến từ các nước và vùng lãnh thổ này có vai trò quan trọng đối với quy mô và tốc độ tăng giảm của tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Đây là những nước và vùng lãnh thổ chủ yếu ở châu Á, (chỉ có 2 nước ở châu Mỹ, châu Úc), những nước có nhiều vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, những thị trường buôn bán lớn của Việt Nam, những nền kinh tế có hệ số chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương so với tỷ giá hối đoái thấp hơn của Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với việc tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ trên, vẫn cần phải mở rộng ra các nước và vùng lãnh thổ khác.
Mức chi tiêu bình quân một lượt khách ước tính năm 2023 đạt 726,7 USD, tuy thấp hơn mức của các năm trước (2020 là 842,3 USD, 2021 là 947,4 USD, 2022 là 1048,3 USD), nhưng đã cao hơn mức của các năm từ 2017 đến 2019 (2017 đạt 695,7 USD, 2018 đạt 650,4 USD, 2019 đạt 656,9 USD). Tuy nhiên, Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017 đạt 1141,5 USD, 2019 đạt 1151,7 USD - có sự chênh lệch khá xa so với cách tính chia kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch cho số lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Từ số liệu mức chi tiêu bình quân một lượt khách theo quốc tịch có thể tính ra tổng số USD thu được của lượng khách quốc tế theo quốc tịch. Theo tính toán sơ bộ, có khoảng 18 quốc tịch đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 8 quốc tịch đạt trên 500 triệu USD (hình 5). Đây là các quốc tịch có lượng khách quốc tế Việt Nam đông, vừa có số chi tiêu bình quân một lượt khách cao. Chỉ với 8 nước và vùng lãnh thổ này Việt Nam đã thu được gần 12,4 tỷ USD - một con số không nhỏ.
Xuất khẩu dịch vụ du lịch đã đóng góp lớn vào xuất khẩu dịch vụ (hình 6). Xuất khẩu dịch vụ du lịch trong nhiều năm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu dịch vụ; có một số năm còn lớn hơn tổng các khoản dịch vụ còn lại. Tuy nhiên, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực mới phát triển, nên tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ cao và sẽ có xu hướng giảm là bình thường. Đặc biệt, năm 2020 đã giảm sâu, năm 2021 còn giảm sâu hơn nữa, thậm chí lần đầu tiên đã nhập siêu. Nguyên nhân chủ yếu do đại dịch Covid-19 năm 2022, 2023 có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn cách xa so với trước đại dịch, do Trung Quốc mới mở cửa trở lại.
Cơ cấu chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam cũng có sự thay đổi so với nững năm trước đây. Những khoản có tỷ trọng tăng là thuê phòng, ăn uống, đi lại, tham quan. Nguyên nhân do nhu cầu thuê phòng cao cấp hơn, ăn uống đa dạng hơn, chất lượng hơn, việc đi lại khách cũng có lựa chọn hơn, đường dài hơn. Những khoản có tỷ trọng giảm là mua hàng hóa, chi tiêu khác.
Lượng khách quốc tế năm 2023 vượt xa so với mục tiêu đề ra (8 triệu lượt người). Nguyên nhân có thể có từ hai phía: (i) các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô có thể còn quá thận trọng, chưa lường được sự bật dậy sau 3 năm ở mức thấp (2020, 2021, 2022); (ii) các nhà quản lý chỉ đạo điều hành đã tranh thủ các điều kiện thuận lợi từ trong nước và thế giới mang lại...
Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam