Khai hội chùa Hương 2023: Cầu nối giữa quá khứ và tương lai
Lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23/1/2023 đến 23/4/2023 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch). Đây không chỉ là lễ hội du xuân thông thường mà còn có ý nghĩa rất lớn, ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ của Bắc bộ…
Sáng 27/1/2023 (tức mồng 6 tháng Giêng Quý Mão), Lễ khai hội chùa Hương Xuân Quý Mão với chủ đề “an toàn – văn minh – thân thiện” đã diễn ra tại sân chùa Thiên Trù (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội).
NHIỀU NÉT MỚI
Chúng tôi có mặt ở Hương Sơn từ chiều 26/1/2023 (tức Mồng 5 tháng Giêng Quý Mão). Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là các con đường trong thôn xóm đến suối Yến đã phong quang hơn, mặc dù du khách rất đông nhưng không còn cảnh ách tắc cục bộ.
Trước kia, du khách được đi xe vào đến bến Yến, hai bên bến Yến là các bãi trông giữ xe ô tô, xe máy. Nhưng nay, Chính quyền địa phương đã quy hoạch và xây dựng 3 bãi đỗ xe ô tô quy mô lớn ở bên ngoài rìa xã nơi án ngữ các con đường đi vào xã, mỗi bãi đỗ rộng hàng chục ha có sức chứa từ 1000-3000 xe ô tô.
Theo thông báo của Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương Xuân 2023, tại đây triển khai hệ thống 50 xe điện để vận chuyển khách từ bến xe Hội Xá đến bến đò Yến Vỹ, từ bến xe Đục Khê đến bến trượt đồng cừ (đối diện Đền Trình) và từ bến xe đường số 1 đến bến đò chùa Tuyết Sơn. Tức là toàn bộ du khách sẽ được các xe điện vận chuyển từ bãi đỗ xe vào bến Yến, khoảng cách 1-1,5 km.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đến, lượng khách đông, trong khi số lượng xe điện quá ít, có lẽ chỉ phục vụ được 1/10 số lượng khách. Thay vào đó, lực lượng xe ôm đông đảo từ chính người dân địa phương đã phục vụ phần lớn lượng du khách thay cho nhiệm vụ của xe điện. Chở mỗi khách vào bến Yến, xe ôm thu 10.000 đồng/người, bằng với giá xe điện. Tuy nhiên, việc xe ôm vây quanh khách để níu kéo, tranh giành khách đã tạo nên hình ảnh lộn xộn và chưa đẹp ngay tại các bãi đỗ xe và bến Yến.
Mặt khác, hầu hết lái xe ôm và mọi du khách đều không được đội mũ bảo hiểm, trong khi mỗi xe ôm thường “tăng bo” từ 2 đến 3 khách cùng với các ba lô đồ đạc lỉnh kỉnh nên rất nguy hiểm khi giao thông. Chúng tôi yêu cầu được đội mũ bảo hiểm, nhưng không xe ôm nào ở đây có mũ bảo hiểm.
Quan sát thấy, không chỉ những người lái xe ôm chở khách, mà hầu hết người dân đi xe máy trên địa bàn xã Hương Sơn đều không đội mũ bảo hiểm. Trên đường, chúng tôi gặp rất nhiều cảnh sát, công an, lực lượng an ninh làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cho lễ hội và hướng dẫn giao thông, nhưng không ai nhắc nhở mọi người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm.
Trên đò ngược dòng Yến Vĩ, chúng tôi chứng kiến san sát thuyền đò từ trong trở ra khi hoàng hôn buông xuống. Cho thấy, du khách đến Hương Sơn đã rất đông ngay từ trước khi khai hội.
Đêm mồng 5, mưa gần như suốt đêm không dứt. Tuy nhiên, đến khoảng 4 giờ sáng mồng 6 thì mưa đột ngột dứt và tạnh hẳn. Chỉ một lúc sau khi ngớt mưa, dòng người từ suối Yến lên Thiên Trù bắt đầu xuất hiện và mỗi lúc một đông, cho đến tảng sáng dòng người đã vô cùng đông đúc. Thời tiết Thiên Trù trong sáng khai hội không mưa cũng không nắng, tiết trời ám áp trở lại, ai cũng khen thời tiết đẹp.
Ngày mồng 5 Tết, lượng khách tiếp tục tăng, đạt 6 vạn người, và dự kiến trong ngày khai hội mồng 6 chùa Hương đón 8-10 vạn du khách. Do lượng khách đông, nên có những lúc đã xảy ra tình trạng ùn ứ, du khách phải xếp hàng khá lâu tại ga cáp treo từ Thiên Trù lên động Hương Tích.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức TP Hà Nội), cho biết ngày mồng 2 và mồng 3 Tết, mỗi ngày có 2 vạn du khách đến chùa Hương. Ngày mồng 4 Tết lượng du khách đổ về đây tăng gấp đôi, khoảng hơn 4 vạn người.
Lễ hội chùa Hương năm 2023 có nhiều điểm mới như vé tham quan và vé xuồng đò từ vé truyền thống đã được chuyển đổi sang vé điện tử. Trưởng ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cũng cho biết Ban Tổ chức lễ hội chủ động triển khai kế hoạch cũng như phương án dự phòng, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, nhất là những vấn đề về ùn tắc giao thông, bến bãi đỗ xe, phân luồng thuyền đò di chuyển...
Để bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công tác quản lý các nhà hàng, quán ăn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, tổ công tác liên ngành sẽ thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán bán hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách.
Khảo sát một vòng các hàng quán ở thung Phủ Mã bên ngoài chùa Thiên Trù, và trên đường lên động Hương Tích, ghi nhận các hàng quán đều niêm yết giá bán với giá bán rất hợp lý, dường như không còn cảnh “chặt chém” du khách như trước kia.
NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG TRONG SINH HOẠT VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG
Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương Xuân 2023, cho biết khi trăm hoa đua nở trên núi rừng Hương Sơn, hàng triệu Phật tử lại hành hương về đây thắp nén tâm nhang lễ Phật và thả hồn mình vào thiên nhiên nơi miền linh sơn trúc địa bầu trời cảnh bụt. Lãnh đạo Huyện Ủy, UBND huyện Mỹ Đức phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tùng lâm Hương Tích tổ chức Lễ hội chùa Hương xuân 2023 với chủ đề “an toàn – văn minh – thân thiện”.
Quần thể khu danh thắng Hương Sơn là một đại danh lam có giá trị lịch sử văn hóa tâm linh và du lịch với 21 điểm di tích chùa, đền, động thờ Phật, có suối, có sông, có núi, có đồng, có bãi… Ở nơi đây, sự kết hợp hài hòa tuyệt vời giữa kỳ quan thiên nhiên và bàn tay con người đã tạo nên bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.
"Mật độ con người cộng với trường độ không gian và thời gian vô cùng rộng lớn, khiến cho nơi đây xứng danh là lễ hội vui nhất trời Nam. Trong 3 năm qua, con người đã trải qua biết bao lo lắng, từ những mất mát lo âu do đại dịch Covid, đến ảnh hưởng của xung đột Nga – Ucraine, tới những lo âu từ sự biến động kinh tế thế giới… Với những lo lắng đó, việc đi hành hương, hòa mình vào thiên nhiên, sống chậm lại, tâm sẽ hết loạn, và mỗi người sẽ định được thân tâm của mình".
Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì quần thể Chùa Hương.
Nơi đây gắn liền với Phật giáo đạo tràng – nơi Phát tích tu hành của Quán Thế Âm Bồ tát bà Chúa Ba, là nơi hiện hữu di tích Phật giáo vô giá, nơi hội tụ tinh hoa tỏa sáng các giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng Phật giáo của dân tộc. Cùng với những kỳ quan thạch nhũ muôn hình vạn trạng, gần gũi với con người mà dân gian thường gọi bằng cái tên rất thân thuộc như cây vàng, cây bạc, đụn gạo, ao bèo, cót thóc, nong tằm, né kén,.. gắn với sản xuất nông nghiệp và tín ngưỡng văn hóa phồn thực bầu sữa mẹ, núi cô, núi Cậu.
Theo ông Đặng Văn Cảnh, Chùa Hương chính là nhân chứng lịch sử chứng kiến những thăng trầm đổi thay của các thời đại. Tháng 12 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Quần thể thắng cảnh Hương Sơn là di tích quốc gia đặc biệt.
Như đã thành thông lệ, cứ mỗi khi Xuân về, chùa Hương lại tưng bừng khai hội kéo dài trong 3 tháng đã trở thành truyền thống trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
“Truyền thống đó sẽ mãi mãi trường tồn, giao thoa trong vẻ đẹp thiên nhiên hài hòa và vẻ đẹp tâm linh kỳ bí. Du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, vừa được sống chậm lại, thư thái bình yên thanh tịnh tại vùng đất linh thiêng. Mỗi lần bước chân tới chùa Hương, dường như mọi người đều bỏ lại sau lưng nỗi lo trần thế, những gánh nặng, những áp lực, những căng thẳng của cuộc sống ngoài kia, để định tâm ngắm lại phong cảnh núi non đền chùa nơi được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động”, đắm mình trong vòng tay của mẹ thiên nhiên, sự che chở của mẹ hiền Quán Thế Âm”, ông Cảnh khẳng định.
Nhận định mùa lễ hội năm nay, dự kiến lượng du khách sẽ đông, bởi do 3 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, ai cũng mong mỏi được đến chùa hương, ông Đặng Văn Cảnh cho rằng Lễ hội Chùa Hương là cầu nối giữa văn hóa vật thể và phi vật thể, cầu nối giữa quá khứ với tương lai. Đất trời Hương Sơn không chỉ đẹp ở sự ngút ngàn như dãy Hoành Sơn, mà còn đẹp trong lòng người khi hành hương về đây, cho nên người xưa nói: Núi không cao thì cảnh chẳng kỳ, đường không dài thì lòng người không tỏ.
“UBND huyện Mỹ Đức sẽ phối hợp với Tùng lâm Hương tích phát huy những truyền thống văn hóa đặc sắc của lễ hội, bảo vệ các di tích, vật thiêng lên quan đến di sản văn hóa chùa Hương. Chính quyền địa phương, cùng Tùng lâm Hương Tích và toàn thể nhân dân Hương Sơn phát động các hoạt động phong phú nhằm thu hút du khách đến chiêm bái lễ Phật, đảm bảo công tác tổ chức, an ninh, môi trường lành mạnh, văn minh. Đồng thời phát huy các nguồn lực để quần thể di tích chùa Hương không chỉ là chốn Tổ đường, Từ đường tôn nghiêm mà còn là điểm đến của mọi du khách trong và ngoài nước”, ông Đặng Văn Cảnh nhấn mạnh.