Khẩn trương đánh giá tác động của cải cách tiền lương đến lương hưu, trợ cấp bảo hiểm
Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, làm rõ tác động của việc cải cách tiền lương đối với lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với các đối tượng khác nhau...
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan yêu cầu làm rõ tác động của thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024, đến việc sửa đổi dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024).
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa cập nhật, đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ của việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Theo yêu cầu của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại văn bản số 2241/UBXH15 ngày 18/1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, và ưu đãi người có công, giao Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Tư pháp và Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, làm rõ tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với các đối tượng khác nhau.
Đặc biệt là lực lượng vũ trang, trợ cấp ưu đãi người có công, và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở, cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.
Từ đó, đề xuất chỉnh lý các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đến ngân sách Nhà nước khi thực hiện điều chỉnh, bảo đảm tính chính xác của số liệu, xem xét đầy đủ, toàn diện các khía cạnh, báo cáo Chính phủ trong tháng 1/2024.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tới đây, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cao nhất và thấp nhất sẽ không gắn với mức lương cơ sở. Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi theo hướng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao nhất, và thấp nhất theo mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ công bố theo quy định của Bộ luật Lao động.
Ngoài ra, dự kiến một số khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ không còn tính theo lương cơ sở nữa, mà sẽ được quy ra thành một khoản tiền nhất định.
Cụ thể, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 540.000 đồng. Mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi cho mỗi con là 3.600.000 đồng. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 540.000 đồng. Mức trợ cấp mai táng bằng 18 triệu đồng.
Các mức trợ cấp trên dự kiến sẽ được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu theo quy định..
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 900.000 đồng; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 1.260.000 đồng.
Trước đó, theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.
Cũng từ ngày 1/7 năm nay, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.