Khó trả 100 triệu USD trái phiếu đến hạn, Nga lại đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Phía Nga khẳng định vẫn sẽ thanh toán khoản nợ bằng đồng USD và Euro cho các trái chủ, nhưng không nêu cụ thể mốc thời gian cho việc này...
Theo Bloomberg, Chính phủ Nga đang đứng trước khoản nợ trái phiếu 100 triệu USD đáo hạn vào ngày 26/6 tới và chưa thể thanh toán cho các trái chủ do các biện pháp cấm vận của phương Tây.
Nếu không thể xử lý thanh toán trước thời hạn này, Nga sẽ có vụ vỡ nợ trái phiếu đầu tiên trong một thế kỷ qua.
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định điện Kremlin vẫn sẽ thanh toán khoản nợ bằng đồng USD và Euro cho các trái chủ thông qua các ngân hàng không bị cấm vận, nhưng không nêu cụ thể mốc thời gian cho việc này.
Theo một kế hoạch do Moscow đề xuất, các trái chủ nắm giữ trái phiếu Chính phủ Nga sẽ nhận được thanh toán sau khi các ngân hàng không thuộc diện bị cấm vận nhận được thanh toán bằng đồng Rup từ Moscow và chuyển đổi số tiền này sang các loại tiền tệ lớn khác.
Khi được hỏi rằng liệu Moscow sẽ xử lý khoản nợ trái phiếu trên thông qua Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia Nga – cơ quan đã bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách cấm vận, ông Siluanov cho biết “chúng tôi sẽ cố gắng”.
Trước đó, không lâu sau khi chiến tranh nổ ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp lệnh trừng phạt lên Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), nhưng cấp một giấy phép đặc biệt cho phép Moscow tiếp tục thanh toán nợ trái phiếu cho các trái chủ ở Mỹ. Tuy nhiên, giấy phép này đã hết hạn vào ngày 25/5 và không được gia hạn.
Quyết định này của Chính phủ Mỹ khiến cho việc Nga thực thi các nghĩa vụ nợ quốc gia trở thành việc vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Trong khi đó, vỡ nợ là điều Nga đã cố gắng hết sức để tránh xảy ra kể từ khi nước này mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine.
Thời điểm đó, Moscow nói rằng quyết định của Washington nhằm gây ra một vụ vỡ nợ có chủ đích. Các quan chức Moscow khẳng định rằng Nga sẽ không thể bị tuyên bố là vỡ nợ vì nước này vẫn cho thấy sự sẵn sàng trả nợ.
"Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tạo ra cơ hội, nhưng việc có thành hay không lại không nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi”, ông Siluanov nói với truyền thông ngày 16/7.
Nếu bị đẩy vào cảnh vỡ nợ, uy tín của Nga giảm sút trong mắt giới đầu tư toàn cầu, cho dù các chuyên gia đưa ra những đánh giá khác nhau về ảnh hưởng tức thì của một sự kiện như vậy đối với nền kinh tế Nga.
Sau khoản nợ 100 triệu USD nói trên, Chính phủ Nga sẽ phải thanh toán 400 triệu USD khác cũng đáo hạn trong tháng 6. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CGTN vào cuối tháng 5, ông Siluanov cho biết việc thanh toán cho khoản nợ này sẽ "nằm ngoài cơ sở hạ tầng tài chính phương Tây".
Theo ông, việc thanh toán này sẽ tương tự nhưng ở chiều ngược lại với cách các quốc gia châu Âu đang thanh toán tiền mua khí đốt cho Nga.
“Với các khoản thanh toán khí đốt: Chúng tôi nhận được ngoại tệ, sau đó chuyển đổi sang Rúp thay cho bên mua", ông nói. “Cơ chế thanh toán trái phiếu ngoại tệ sẽ tương tự như vậy nhưng theo hướng ngược lại".