Khoa học công nghệ sẽ là “chìa khóa” để giảm khí carbon trong ngành khai khoáng
Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng khai thác khoáng sản lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể tiến đến một nền kinh tế có phát thải ròng bằng không, chìa khóa nằm ở việc tiếp tục đầu tư vào đổi mới, khoa học và công nghệ nhằm tối ưu hóa quy trình khai thác, giảm lượng khí carbon…
Đó là nhận định của ông Ben Wong, Tổng Giám Đốc Informa Markets Việt Nam, tại lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam – Mining Vietnam 2024 diễn ra từ ngày 24 – 26/4/2024 tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC), Hà Nội.
Theo bà Annie Trần, Quản lý dự án cấp cao, Triển lãm Mining Vietnam, Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, tập trung hơn 5.000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản như than, quặng boxit, apatit, titan, đất hiếm...
Với lịch sử khai thác gần 180 năm, ngành than Việt Nam từ lâu đã trở thành ngành công nghiệp khai khoáng chủ lực nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, quặng boxit với trữ lượng lên đến 5,8 triệu tấn đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia sở hữu tiềm năng về quặng boxit lớn thứ hai toàn cầu.
Những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, giảm tiêu hao điện, năng lượng.
Trong đó, nổi bật như chính sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi hay Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ mục tiêu đưa ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trở thành ngành công nghiệp hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới thiết bị nhằm sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuyển đổi toàn diện ngành theo hướng phát triển xanh.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), cho biết công nghiệp than là lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ chốt của Tập đoàn. Vinacomin có 21 công ty thành viên sản xuất hầm lò và lộ thiên. Hiện tại, sản lượng than sản xuất hàng năm của Vinacomin đạt trên 40 triệu tấn/năm.
Mục tiêu chiến lược của Vinacomin là trở thành một tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có thương hiệu và sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới, có cơ cấu sản xuất - kinh doanh hợp lý, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy các ngành kinh tế, các địa phương trên cả nước cùng phát triển.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, Vinacomin xác định, song song với triển khai tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn tập trung tái cơ cấu công nghệ theo hướng tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ số và các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đổi mới công nghệ khai thác hiện đại hoá, tự động hoá, thông minh hoá để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các mỏ lộ thiên, hầm lò của Vinacomin đã và đang áp dụng nhiều công nghệ khai thác hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các hệ thống cơ giới hóa đồng bộ, tự động hoá trong các khâu: đào lò, khai thác, thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước mỏ... Tỷ lệ than khai thác bằng hệ thống cơ giới đồng bộ ngày càng tăng, tỷ lệ tổn thất than trong khai thác ngày một giảm làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên.
Với các mỏ lộ thiên, Vinacomin cũng đã và đang đầu tư các thiết bị đồng bộ từ máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực, ô tô vận tải có tải trọng lớn đến 130 tấn để nâng năng lực bốc xúc, vận tải. Liên tục đổi mới công nghệ nổ mìn, liên thông hệ thống khai thác để tạo ra các khai trường lộ thiên công suất lớn và từng bước băng tải hóa công tác vận chuyển.
Trong giai đoạn tới Vinacomin sẽ triển khai thăm dò trên 1,0 triệu mét khoan, đầu tư mới và duy trì sản xuất tổng số trên 70 dự án khai thác than để khai thác sản lượng than ổn định 36-40 triệu tấn/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho thăm dò, phát triển sản xuất than của Vinacomin vào khoảng 90 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực chủ lực là than, Vinacomin đã phát triển công nghiệp khoáng sản theo hướng tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế. Tập đoàn đã đầu tư một loạt nhà máy chế biến kim loại màu hiện đại bao gồm: đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và các kim loại khác.
Mining Vietnam 2024 quy tụ hơn 200 doanh nghiệp trưng bày từ nhiều quốc gia phát triển trong ngành khai khoáng với mục tiêu là cầu nối giao thương hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu các công nghệ tiên tiến nhất, trang thiết bị máy móc hiện đại nhất phục vụ cho thị trường Việt Nam và khu vực.
Ông Thuỷ nhận định, triển lãm sẽ góp phần thúc đẩy sự chuyển giao, phát triển công nghệ mới, giải pháp mới trong lĩnh vực khai khoáng, cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành, góp phần hướng đến ngành công nghiệp khai khoáng bền vững theo nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động đến môi trường và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
CEO Informa Markets Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng khai thác khoáng sản lớn nhất Đông Nam Á, với tiềm năng lớn về than, boxit, quặng cromit, titan, sắt và đất hiếm.
Tuy nhiên, để Việt Nam tiến đến một nền kinh tế có phát thải ròng bằng không, chuyển đổi sang công nghệ xanh trong khi vẫn đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên vốn có một cách hiệu quả, chìa khóa nằm ở việc tiếp tục đầu tư vào đổi mới, khoa học và công nghệ nhằm tối ưu hóa quy trình khai thác, giảm lượng khí carbon.