Khối tiền mặt 100 tỷ USD của "đế chế" Samsung khiến nhà đầu tư sốt ruột
Chuyến thăm Mỹ đang diễn ra của "thái tử" Lee Jae-yong, người hiện giữ cương vị Phó chủ tịch Samsung Electronics, là dấu hiệu cho thấy công ty này đang lên kế hoạch sử dụng khối tiền mặt 100 tỷ USD...
Thông tin từ một lãnh đạo Samsung Electronics ngày 21/11 cho biết, ông Lee đã có mặt tại Mỹ và gặp gỡ các quan chức Mỹ để thảo luận về việc xây dựng nhà máy sản xuất chip thứ hai ở nước này cũng như các vấn đề về nguồn cung chất bán dẫn.
Ông Lee rời Hàn Quốc hôm 14/11, bắt đầu chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi được đặc xá hồi tháng 8.
KẾ HOẠCH CHO KHỐI TIỀN MẶT HƠN 100 TỶ USD
Theo tờ Financial Times, giới đầu tư xem chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Samsung là dấu hiệu cho thấy công ty này đang lên kế hoạch sử dụng khối tiền mặt 100 tỷ USD.
Dự trữ tiền mặt của Samsung Electronics tăng lên đáng kể trong thời gian ông Lee ngồi tù với tội danh tham ô và hối lộ. Theo nhận định của giới phân tích, điều này giúp công ty có khả năng thực hiện các thương vụ đầu tư siêu lớn, ngang tầm với quỹ đầu tư trăm tỷ USD Vision Fund của tập đoàn Nhật Bản SoftBank.
Thương vụ đầu tư lớn gần đây nhất của Samsung là vào năm 2016 khi chi 8 tỷ USD mua lại tập đoàn công nghệ ô tô Mỹ Harman. Từ đó đến nay, Samsung hầu như đứng ngoài cơn sốt đầu tư đang định hình lại lĩnh vực công nghệ.
Theo IC Insights, trong lĩnh vực chip, 4 năm qua, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có tổng giá trị lên tới hơn 200 tỷ USD, trong đó lập kỷ lục 118 tỷ USD vào năm 2020 (dù thương vụ Nvidia mua lại hãng chip Anh Arm với giá 54 tỷ USD đang gặp vấn đề với cơ quan quản lý).
“Có rất nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ những năm gần đây, nhưng Samsung không tham gia”, nhà phân tích Kim Young-woo của SK Securities cho biết. “Đây là điều mà lãnh đạo cấp cao nhất cần quan tâm nhưng thời gian qua ông Lee lại bận rộn với các vấn đề pháp lý”.
Hiện tại, ông Lee vẫn đang đối mặt một vụ án khác với cáo buộc gian lận tài chính.
Trong chuyến thăm Mỹ, “Thái tử” Samsung cũng đã gặp gỡ các giám đốc của hãng dược Moderna, nhà mạng viễn thông Verizon. Ông được kỳ vọng sẽ công bố địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất chip mới với vốn đầu tư 17 tỷ USD tại Mỹ trong chuyến đi này.
Không lâu sau khi ông Lee được đặc xá hồi tháng 8, Samsung Electronics đã công bố kế hoạch đầu tư trong 3 năm với số tiền 206 tỷ USD để mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, dược sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.
Nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip nhớ lớn nhất thế giới cũng tỏ ra lạc quan về việc có thể thực hiện các thương vụ “có quy mô ý nghĩa” trong vòng 3 năm và đang tích cực tìm kiếm các thương vụ trong những lĩnh vực như AI, công nghệ 5G và ô tô.
THỰC SỰ CẦN THÂU TÓM MỘT CÔNG TY CHIP CAO CẤP
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng, trong lĩnh vực bán dẫn, Samsung Electronics có thể đã bị mất vị thế vào tay đối thủ và thiếu một chiến lược tăng trưởng rõ ràng. Trong quý 3, khối tiền mặt của công ty này lên tới 102 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với con số 7,9 tỷ USD của đối thủ Mỹ Intel và 31 tỷ USD của hãng chip khổng lồ Đài Loan TSMC.
“Với lượng tiền mặt hơn 100 tỷ USD, các cổ đông muốn Samsung mang về lợi nhuận hơn từ khối tiền mặt này nếu như tập đoàn không có ý định dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh”, một quan chức trong ngành thân cận với Samsung cho biết.
Giá cổ phiếu Samsung đã sụt hơn 10% kể từ đầu năm nay trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại về tình trạng dư cung chip nhớ Nand và chip Dram vào năm 2022.
“Họ có quá nhiều tiền mặt nhưng phân bổ vốn không hiệu quả”, James Lim, nhà phân tích tại quỹ đầu cơ Dalton Investments của Mỹ, nhận xét. “Nhiều người quan ngại rằng Samsung có thể tụt lại phía sau trong cuộc đua chip nhớ (dùng để lưu trữ dữ liệu), còn các nhà đầu tư không tin rằng công ty này có thể vươn lên dẫn đầu khi sản xuất các loại chip cao cấp (dùng để xử lý dữ liệu)”.
Theo Financial Times, cách tiếp cận đặc biệt thận trọng của Samsung Electronics một phần bắt nguồn từ nhiệm vụ điều hành ổn định công ty của ông Lee khi ông lên nắm quyền kiểm soát công ty vào năm 2014. Những trải nghiệm cay đắng với các thương vụ đầu tư như thâu tóm AST năm 1995 hay Harman năm 2017 cùng lo ngại về nguy cơ vấp phải các vấn đề về chống độc quyền, đã góp phần khiến đế chế này do dự trong việc triển thực hiện các thương vụ mua bán lớn.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giờ đây công ty này cần một thương vụ lớn trong lĩnh vực chip cao cấp – thị trường màu mỡ mà Samsung hiện đang theo sau đối thủ TSMC của Đài Loan.
“Samsung thực sự cần mua lại một công ty sản xuất chip cao cấp nào đó. Samsung hiện dẫn đầu thế giới về chip nhớ nhưng thị trường chip cao cấp lớn hơn rất nhiều”, Giám đốc nghiên cứu Paul Choi của hãng môi giới CLSA tại Seoul nhận định.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại về sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực chip nhớ - lĩnh vực mà Samsung thống trị suốt nhiều thập kỷ qua.
Theo nguồn tin của Financial Times, trong lĩnh vực viễn thông và AI, Samsung có thể xác định các công ty công nghệ chuyên môn cao có thể giúp họ phát triển mạng không dây và nâng cao khả năng tương tác của các sản phẩm điện tử tiêu dùng.
Tuy nhiên, một nhân vật kỳ cựu trong giới đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon – người từng cố vấn cho nhiều thương vụ của các doanh nghiệp công nghệ, cho biết nhà sáng lập của các hãng công nghệ thường không muốn sáp nhập vào những đại gia có tiếng là bảo thủ như Samsung. Điều này có thể khiến các thương vụ thâu tóm của Samsung phức tạp hơn.
“Họ luôn lo ngại rằng sẽ không hòa nhập được với ‘tàu mẹ’ và ‘tàu mẹ’ đó không thực sự quan tâm tới cách thức mà họ muốn ứng dụng công nghệ của mình trong bức tranh tổng thể”, người này cho biết.