Khủng hoảng năng lượng toàn cầu: Không có lối thoát nào dễ dàng

An Huy
Chia sẻ

Giá khí đốt tăng phi mã. Giá than đá bùng nổ. Giá dầu được dự báo sớm đạt mốc 100 USD/thùng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu - do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân gồm thời tiết bất lợi và sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhu cầu – đang ngày càng trở nên căng thẳng và gây lo ngại lớn bởi bán cầu Bắc sắp bước vào những tháng mùa đông, khi các quốc gia cần nhiều năng lượng hơn để thắp sáng và sưởi ấm.

Các chính phủ trên thế giới đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm năng lượng đối với người tiêu dùng, nhưng nhà chức trách cũng phải thừa nhận rằng có thể họ không đủ khả năng để ngăn sự phình to của hoá đơn nhiên liệu.

GIÁ KHÍ ĐỐT Ở CHÂU ÂU TĂNG GẤP 8 LẦN TRONG 1 NĂM

Theo trang CNN Business, bức tranh năng lượng toàn cầu càng phức tạp hơn do có thêm yếu tố là sức ép ngày càng lớn đối với các quốc gia về dịch chuyển sang năng lượng sạch, nhất là khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh khí hậu vào tháng 11 tới đây.

Tại Trung Quốc, cắt điện luân phiên đối với các hộ gia đình đã được triển khai. Tại Ấn Độ, các nhà nhiệt điện đang xoay sở nguồn than. Các tổ chức ủng hộ người tiêu dùng ở châu Âu đang kêu gọi quy định cấm cắt năng lượng nếu người tiêu dùng không thể thanh toán hoá đơn tức thời.

“Cú sốc giá cả này là một cuộc khủng hoảng hoàn toàn bất ngờ và xảy ra đúng vào một thời điểm khó khăn”, Giám đốc phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), ông Kadri Simson, phát biểu cách đây ít hôm và khẳng định khối sẽ vạch ra một kế hoạch phản ứng chính sách dài hạn trong tuần này. “Ưu tiên tức thời sẽ là giảm bớt ảnh hưởng xã hội và bảo vệ những hộ gia đình yếu thế”.

Tại châu Âu, khí đốt tự nhiên đang được giao dịch với mức giá tương đương 230 USD/thùng dầu, tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 đến nay và tăng gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái – theo dữ liệu từ D Independent Commodity Intelligence Services.

Tại khu vực Đông Á, giá khí đốt tự nhiên đã tăng 85% kể từ đầu tháng 9, đạt mức tương đương gần 204 USD/thùng dầu. Tại Mỹ - một nước xuất khẩu ròng khí đốt, giá khí đốt hiện thấp hơn nhưng cũng đã đạt mức cao nhất 13 năm.

“Những thông tin như thế này làm dấy lên mối lo ngại về việc mọi thứ sẽ ra sao trong mùa đông”, chuyên gia năng lượng và địa chính trị Nikos Tsafos thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định. Ông Tsafos cho rằng tâm lý bất an đã khiến thị trường có những diễn biến vượt khỏi các yếu tố nền tảng là nguồn cung và nhu cầu.

Việc các quốc gia tranh nhau mua khí đốt tự nhiên đang góp phần đẩy giá than và giá dầu leo thang, vì hai nhiên liệu này có thê sử dụng thay thế cho than trong một số trường hợp nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn. Ấn Độ, quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào than, vào tuần trước cho biết có tới 63 trong số 135 nhà máy nhiệt điện của nước này chỉ còn lượng than đủ dùng trong 2 ngày hoặc ít hơn.

Tình trạng này khiến các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư lo lắng. Giá nhiên liệu leo thang “tiếp lửa” cho lạm phát, trong lúc giá cả tăng vốn dĩ đã là một mối lo lớn khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra. Những diễn biến trong mùa đông có thể khiến tình hình thêm phần tồi tệ.

KHÔNG CÓ GIẢI PHÁP NÀO DỄ DÀNG

Cuộc khủng hoảng năng lượng mà thế giới đang đối mặt bắt nguồn từ nhu cầu tăng vọt khi kinh tế hồi phục, cộng thêm những sự kiện thời tiết và kỹ thuật bất lợi khiến nguồn cung bị gián đoạn ở một số nơi. Đầu năm nay, thời tiết lạnh giá kéo dài bất thường đã hút gần cạn nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên ở châu Âu. Nhu cầu tăng mạnh đã cản trở quá trình làm đầy dữ trữ khí đốt vốn thường diễn ra trong mùa xuân và mùa hè.

Nhu cầu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) ngày càng lớn của Trung Quốc đồng nghĩa với thị trường LNG không thể bù đắp tình trạng thiếu hụt. Xuất khẩu khí đốt của Nga giảm và mùa gió yếu bất thường khiến sản lượng điện gió thấp càng khiến tình hình tệ hơn.

Một nhà máy nhiệt điện ở Nam Kinh, Trung Quốc.
Một nhà máy nhiệt điện ở Nam Kinh, Trung Quốc.

“Đợt tăng giá năng lượng hiện nay ở châu Âu thực sự đặc biệt”, một báo cáo mới đây của ngân hàng Societe Generale nhận định. “Trước đây, chưa bao giờ giá năng lượng lại tăng mạnh và nhanh đến như vậy. Mà bây giờ mới bắt đầu mùa thu, nhiệt độ còn chưa giảm sâu”.

Những động lực tăng giá năng lượng đang lan rộng toàn cầu. Giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ đã tăng 47% từ đầu tháng 8. Nhu cầu chuyển sang sử dụng than cũng đẩy tăng mạnh mức giá mà nhiều công ty ở châu Âu phải trả để mua tín dụng carbon để có thể sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Trong tuần trước, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York đạt mức cao nhất 7 năm. Ngân hàng Bank of America gần đây dự báo một mùa đông lạnh giá có thể đẩy giá dầu Brent giao sau tại thị trường London – giá tham chiếu của thị trường năng lượng toàn cầu – vượt 100 USD/thùng. Lần gần đây nhất giá dầu Brent ở mức 100 USD/thùng là vào năm 2014.

Ông Jim Burkhard, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường năng lượng thuộc IHS Markit, nói rằng “trước mắt, chưa có một lối thoát nào” nào cho thế giới trong cuộc khủng hoảng năng lượng này.

“Về khí đốt, không có nước nào như Saudi Arabia trên thị trường dầu lửa”, ông Burkhard phát biểu, ý nói rằng không có một nước này riêng lẻ nào có thể nhanh chóng tăng mạnh sản lượng khí đốt tự nhiên như Saudi Arabia có thể làm với sản lượng dầu. “Tình trạng hiện nay có vẻ như sẽ kéo dài trong suốt mùa đông này ở bán cầu Bắc”.

Về lý thuyết, Nga có thể tăng sản lượng khí đốt. Các nhà phân tích của Societe Generale cho rằng nếu Chính phủ Đức phê duyệt nhanh hơn Dòng chảy phương Nam 2 (Nord Stream 2) - đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga tới châu Âu và là một dự án nhạy cảm chính trị - thì áp lực sẽ được giải toả nhiều.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát tín hiệu rằng Nga có thể tăng sản lượng khí đốt, nói rằng hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga chưa bao giờ “từ chối tăng nguồn cung cho khách hàng nếu họ đưa ra mức giá chào mua hợp lý”.

KINH TẾ TOÀN CẦU BỊ ĐE DOẠ

Tuy nhiên, tại một hội thảo ngành dầu khí vào tuần trước, Phó chủ tịch cấp cao Neil Chapman của hãng dầu lửa Mỹ ExxonMobil, đã nhấn mạnh về những nút thắt ngắn hạn. “Dĩ nhiên là đang có những mối lo ngại lớn. Trong ngành của chúng ta, vốn đầu tư là rất lớn, nên chuyện nhanh chóng tăng nguồn cung là điều không dễ dàng”, ông Chapman nói.

Theo ông Burkhard, kịch bản tốt nhất là một mùa đông với nhiệt độ trung bình không quá thấp sẽ giúp áp lực về nguồn cung năng lượng sẽ dịu đi trong quý 2/2022. Tuy nhiên, nếu điều kiện trong những tháng sắp tới là khắc nghiệt, căng thẳng trên thị trường năng lượng sẽ gia tăng hơn nữa, đặc biệt ở những nước có mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt tự nhiên để phát điện, như Italy và Anh. Nước Anh ở vào một vị thế đặc biệt bất lợi vì thiếu năng lực dự trữ khí đốt tự nhiên và đang lao đao vì bị gián đoạn đường điện với Pháp.

“Rõ ràng Anh đang ở vào vị thế rủi ro cao nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Âu nếu xét về tình trạng thiếu nguồn cung năng lượng trong mùa đông năm nay”, ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng thuộc Eurasia Group, nhận định trong một báo cáo hồi tuần trước. “Nếu điều đó xảy ra, Chính phủ Anh có thể sẽ phải yêu cầu các nhà máy giảm sản lượng và giảm tiêu thụ khí đốt để đảm bảo nguồn cung cho các hộ gia đình”.

Kho chứa khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) ở miền Đông Nam nước Anh.
Kho chứa khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) ở miền Đông Nam nước Anh.

Với giá năng lượng giữ đà leo thang và không có dấu hiệu sớm giảm tốc, áp lực lạm phát trên toàn cầu càng thêm lớn. Trong tháng 8, giá năng lượng tại các nước phát triển tăng 18%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra vào tuần trước. Đó là trước khi tình hình xấu đi nhiều trong những tuần gần đây.

Giá năng lượng tăng cao có thể buộc người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” trong các khoản chi khác như quần áo, ăn uống ở nhà hàng… đặt ra trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nếu các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm hoạt động để giảm tiêu thụ điện, nền kinh tế cũng thiệt hại.

“Đang có những mối lo rằng giá khí đốt tăng cao sẽ đặt sự phục hồi kinh tế từ đại dịch ở châu Âu vào tình thế rủi ro”, ông Gloystein nhận định.

Cũng theo ông Gloystein, biến động giá năng lượng cũng có thể làm gia tăng mối hoài nghi của công chúng về chiến lược dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch. Rất có thể, người tiêu dùng sẽ đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào khai thác dầu khí để hạn chế khả năng xảy ra những đợt tăng giá như thế này trong tương lai.

Tuy nhiên, các chính phủ với cam kết cắt giảm phát thải đang cố gắng gửi đi một thông điệp có tính “phủ đầu” rằng cuộc khủng hoảng năng lượng này chỉ làm mạnh thêm chứ không hề làm suy yếu chiến lược đầu tư vào các nguồn năng lượng đa dạng.

“Rõ ràng là trong dài hạn, điều quan trọng là đầu tư vào năng lượng tái sinh”, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu tuần trước. “Cách đó sẽ giúp chúng ta có giá cả ổn định và sự độc lập lớn hơn, vì 90% khí đốt mà EU tiêu thụ là từ nguồn nhập khẩu”.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con