Lạm phát không mấy ảnh hưởng đến người tiêu dùng xa xỉ Mỹ
Số liệu về thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Bank of America cho thấy chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ đã tăng 14% tính đến thời điểm hiện nay. Tầng lớp khá giả vẫn đủ tiền để chi tiêu một khoản hàng tháng cho các thứ xa xỉ như nước hoa hay mỹ phẩm…
Tuần này, một loạt doanh nghiệp tiêu dùng, từ tập đoàn sản xuất rượu vang đến nhà sản xuất túi Hermes, đã thông báo rằng họ vẫn đang bán rất chạy những sản phẩm đắt tiền nhất và hy vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng bất chấp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt không có dấu hiệu dịu bớt.
Đà tăng của lãi suất và lạm phát cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đã đẩy hàng trăm nghìn người rơi vào tình trạng nguy hiểm về tài chính, không thể chi tiêu cho bất cứ thứ gì ngoài những thứ cơ bản tuyệt đối. Trong khi đó, với hàng triệu người thượng lưu tại Mỹ, tình trạng lạm phát gần như không ảnh hưởng đến họ. Nắm giữ khoản tiền tiết kiệm tích lũy trong đại dịch Covid-19, những người tiêu dùng giàu có này vẫn muốn “chiều chuộng” bản thân sau hai năm bị cầm chân tại nhà.
Phó giáo sư Chuck Howard của trường Mays Business School nhận định chính vì thói quen dành một khoản tiền để chi tiêu cho thú vui của một bộ phận người tiêu dùng dư giả, mà các mặt hàng như túi xách, nước hoa, mỹ phẩm... vẫn duy trì được doanh số. Thậm chí, hãng Bath & Body Works chuyên kinh doanh hóa mỹ phẩm và nến thơm cao cấp cho biết doanh số của họ trong tháng 6/2022 còn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là dù không phải mặt hàng thiết yếu nhưng sản phẩm của họ lại là thứ đồ "xa xỉ chấp nhận được" trong thời buổi lạm phát hiện nay.
Đồng quan điểm, giáo sư Priya Raghubir của trường NYU Sterm School of Business nhận định đây là "hiệu ứng son môi" (Lipstick Effect) khi những mặt hàng xa xỉ giá trong tầm tay như nước hoa, mỹ phẩm, túi xách vẫn được người tiêu dùng mua sắm trong thời buổi lạm phát. Theo chuyên gia Neil Saunders của Global Data Retail, người tiêu dùng Mỹ mới thoát khỏi cách ly đại dịch và họ đang mơ về những kỳ nghỉ sau 2 năm tù túng, muốn được tụ họp ăn mừng cùng mọi người. Bởi vậy chi tiêu cho du lịch hay những mặt hàng xa xỉ vừa phải là chấp nhận được.
J.Crew, nhà bán lẻ nổi tiếng của Mỹ, gần đây tuyên bố hướng tới các mức giá xa xỉ và đồng hồ cao cấp. Giá hàng hóa đắt nhất của họ trong 3 tháng (tính đến tháng 5 vừa qua) tăng khoảng 158% so với các mặt hàng mới hàng đầu trong 3 tháng tương đương của năm 2019, theo Edited.
Deirdre Quinn là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Lafayette 148 New York, vừa mở thêm 13 cửa hàng trên toàn cầu. Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ của thương hiệu tăng 30% so với mức trước đại dịch. Một số khách hàng của Quinn gọi đó là “sự quyến rũ trả thù”. Sau hàng năm trời ở nhà mặc quần áo tùy ý vì đại dịch, nhiều người nôn nóng muốn thể hiện với thế giới rằng mình trông đẹp hơn bao giờ hết.
Nhờ tâm lý này, Hermes đã báo cáo tỷ suất lợi nhuận hàng quý kỷ lục với doanh số bán hàng tăng mạnh tại châu Âu, Mỹ và dự đoán đà phục hồi tại Trung Quốc trong tháng Sáu. Ông Axel Dumas, Chủ tịch Hermes, cho biết ông không nhận thấy dấu hiệu chững lại ở bất kỳ khu vực nào, mặc dù tập đoàn này đã tăng giá sản phẩm 4% trong năm nay. Nhà sản xuất ôtô Renault cũng cho biết sẽ tập trung vào việc bán những mẫu xe có lợi nhuận cao hơn, với dự báo tỷ suất lợi nhuận cả năm sẽ gia tăng. Những chiếc xe Renault đắt nhất có thể có giá trên 100.000 USD.
Doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn xa xỉ LVMH cũng đã tăng vọt bất chấp lạm phát diễn ra. Theo đó, mặc dù thị trường tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi các chính sách phong tỏa phòng chống dịch, LVMH ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ ở châu Âu và Hoa Kỳ. Lợi nhuận ròng từ tháng 1 đến tháng 6 đạt 6,5 tỷ euro (6,6 tỷ USD), tăng 23% so với thu nhập “kỷ lục” trong cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu cũng tăng 28% lên 36,7 tỷ euro.
Giám đốc tài chính Jean Jacques Guiony cho biết, LVMH đang thực hiện cách tiếp cận chờ đợi và xem xét đối với Trung Quốc, nhưng “tự tin về nhu cầu trở lại” khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Thời trang và đồ da, chiếm gần một nửa doanh thu của LVMH, vượt trội so với các bộ phận khác với mức tăng trưởng 31% lên 18,1 tỷ euro.
Rebecca Chesworth, chiến lược gia của quỹ đầu tư State Street SPDR ETF, cho biết kết quả kinh doanh khả quan của các thương hiệu xa xỉ phẩm như Louis Vuitton, Fendi và Christian Dior đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên của người tiêu dùng tại châu Âu. Việc du khách chi tiêu thoải mái do du lịch mở cửa trở lại cũng giúp bù đắp sự gián đoạn ở Trung Quốc do các hạn chế dịch bệnh.
Bên cạnh đó, sự trượt giá của đồng Euro so với đồng USD có khả năng tăng thu nhập cho các công ty sản xuất hàng xa xỉ ở châu Âu, bởi điều này khuyến khích người Mỹ đến châu lục này và chi tiêu nhiều hơn. Mario Ortelli của công ty tư vấn mua sắm và sáp nhập Ortelli & Co cho biết: “Người tiêu dùng Mỹ đang đi du lịch đến châu Âu như thể không có ngày mai”.
Hiện Mỹ đã vượt qua châu Âu để trở thành thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm ngoái và đang thu hút rất nhiều khoản đầu tư vào các cửa hàng mới từ các nhãn hiệu châu Âu. Theo dự báo của UBS, mức tăng trưởng doanh số bán hàng trong quý 2/2022 của LVMH là 17%, Kering là 12% và Hermes là 16%.