Liên kết vùng duyên hải miền Trung dưới góc nhìn doanh nhân
Ban tổ chức Diễn đàn kinh tế miền Trung ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của doanh nhân với tinh thần "Quảng Nôm": nói thẳng, nói thật
Ai cũng là "mũi nhọn", Bà Nà có cáp treo, Bạch Mã có cáp treo rồi Phong Nha cũng được chấp nhận làm cáp treo thì liên kết khó thành - doanh nhân Đà Nẵng, Hội An bày tỏ quan điểm về thúc đẩy liên kết để miền Trung phát triển bền vững.
Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Miền Trung sẽ được Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND thành phố Đà Nẵng, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung tổ chức vào ngày 25/9 tới đây.
Sáng 7/9, cuộc toạ đàm với doanh nhân một số tỉnh miền Trung do VCCI Đà Nẵng tổ chức với đại diện ban tổ chức diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của doanh nhân với tinh thần "Quảng Nôm": nói thẳng, nói thật.
Miền Trung, dải đất không chỉ còn nhiều khó khăn về kinh tế mà còn đối diện với cả những vấn đề an ninh - quốc phòng từ biển Đông rất cần sự liên kết, đó là nhận định chung từ nhiều ý kiến tại toạ đàm.
Nhưng, sự phát triển bền vững của miền Trung, theo một số ý kiến không thể tách rời bối cảnh chung của cả nước.
Thủ tướng cứ nói nhà nước kiến tạo, phục vụ nhưng cho đến giờ hơn 1 năm từ nhiệm kỳ mới của Chính phủ cũng chưa có trường chính trị nào đưa nội dung này vào giảng dạy, Thủ tướng nói cứ kệ Thủ tướng nói - một vị doanh nhân ngành thuỷ sản nhận xét.
Nhà nước kiến tạo thì phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp làm sao tự bơi được - Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang bình luận.
Nhấn mạnh đến yếu tố nguồn nhân lực, doanh nhân Hà Giang, Chủ tịch Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường cho rằng điều quan trọng là phải thay đổi chế độ tiền lương. Người giỏi thì lương phải đủ cao, còn người yếu thì phải loại ra khỏi đội ngũ. Hiện nay chống tham nhũng rất khó, cán bộ nhà nước thì lương dăm bảy triệu thì làm sao tránh được tham nhũng - doanh nhân Hà Giang nói.
Với 9 tỉnh miền Trung, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng Lê Thị Nam Phương cũng như nhiều ý kiến khác đặt vấn đề cần có những đề xuất rõ ràng, cụ thể tại diễn đàn để kinh tế miền Trung có thể phát triển bền vững, trong một liên kết vững vàng.
Đề cập một trong những chủ đề lớn của diễn đàn là du lịch, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho rằng ngành du lịch thiếu một quy hoạch tổng thể nên rất loay hoay. Nói ngay ba tỉnh Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng không biết thị trường ở đâu cả, vẫn cạnh tranh lẫn nhau mà đã cạnh tranh thì không thể nói đến liên kết được.
"Mỗi tỉnh cần phân ra anh mạnh cái gì, ví dụ Hội An chuyên về resort còn Đà Nẵng chuyên về đô thị, còn ai cũng đô thị thì hỏng hết. Kể cả tổng cục du lịch cũng không hiểu về du lịch, Bà Nà có cáp treo, Bạch Mã có cáp treo, rồi chấp nhận cho cả Phong Nha cũng cáp treo thì đáng buồn" - ông Thanh góp ý.
Theo vị doanh nhân Quảng Nam thì "nếu không nói thẳng thì không làm được gì. Hiện nay doanh nghiệp tử tế không muốn làm ăn lớn còn làm ăn lớn thì không tử tế".
Từng tham dự Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2014, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nhắc lại tại diễn đàn ba năm trước nhiều chuyên gia nêu cái khó của miền Trung và khuyên nên chăng chọn du lịch như ngành kinh tế mũi nhọn và một số tỉnh đã có bước thành công nhất định.
Ông Vinh cho biết hiện nay lượng khách đến Đà Nẵng tăng trưởng 25% mỗi năm với khoảng 2 triệu khách nước ngoài , trong đó 40% là khách đến từ Hàn Quốc, thấp hơn chút là Trung Quốc.
Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang thay đổi hàng tháng, có bền vững hay không? nếu quá nhanh thì đương nhiên là không bền vững, đi nhanh thì không có chắc - ông Vinh bình luận.
Nhìn nhận du lịch miền Trung đã bộc lộ những hạn chế, mà ví dụ điển hình là vụ việc của Sơn Trà (Đà Nẵng), ông Vinh cho rằng nếu không có kế hoạch dài hạn thì sẽ thất bại.
"Du lịch miền trung cắn vào xương thì sẽ bị què quặt" - Tổng giám đốc Furama nhấn mạnh.
Vậy diễn đàn sẽ cảnh báo, bàn thảo những vấn đề trên thế nào? Đặt câu hỏi này, ông Vinh cho rằng diễn đàn nên có một phiên dành riêng cho các doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế miền trung mà không có tiếng nói của doanh nghiệp thì ai chơi sân chơi này, không có vai trò doanh nghiệp thì diễn đàn đơn thuần chỉ là tiếng nói của các nhà chính trị - ông Vinh nhận xét.
Phát triển bền vững thì không chỉ cần hệ thống chính trị ổn định mà còn phải "tấn công" cả vào văn hoá, xã hội... Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng Tô Văn Hiệp bày tỏ quan điểm.
Từ việc du khách rất khen ứng xử của người Đà Nẵng, ông Hiệp cho rằng sự thiếu thân thiện của công chức cũng chính là rào cản của phát triển.
Con người là cội nguồn phát triển, miền Trung có lợi thế về du lịch nhưng cần coi trọng người tài mới phát triển bền vững - Tổng giám đốc công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia phát biểu.