Lộ rõ áp lực tăng lãi suất nhìn từ kết quả đấu thầu trái phiếu Chính phủ và lãi suất liên ngân hàng
Với việc tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp và vẫn còn lực cầu nhẹ, áp lực đối với hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ còn độ trễ nhất định...
Tuần trước (4/4 – 8/4/2022), Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 5.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng chỉ có 2.000 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 10 và 15 năm.
Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh tỷ lệ đăng ký vẫn gấp 1,8 lần so với khối lượng gọi thầu. Đồng thời, lợi suất trúng thầu cũng đã được nâng thêm từ 0,04-0,07 điểm phần trăm so với những phiên trước đó.
Sau 15 ngày đầu quý 2/2022, Kho bạc Nhà nước mới chỉ hoàn thành 10,8% kế hoạch phát hành năm và 1,7% kế hoạch quý.
Như vậy, có thể thấy rằng, thị trường đang đòi hỏi mức lợi suất trái phiếu Chính phủ cao hơn rất nhiều so với mức mà Kho bạc Nhà nước đưa ra.
Đây là tín hiệu cụ thể về áp lực tăng lãi suất. Điều cũng ngày càng phản ánh rõ hơn nếu nhìn từ thị trường thứ cấp sang thị trường sơ cấp, biên độ chênh lệch lợi suất ngày càng rộng thêm.
Chẳng hạn, lãi suất trái phiếu Chính phủ ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm trên thứ cấp lần lượt ở mức 2,75%/năm và 2,95%/năm thì trên sơ cấp đang là 2,24%/năm và 2,54%/năm.
Theo giới chuyên môn, có hai nguyên nhân chính khiến áp lực đối với phát hành trái phiếu Chính phủ Việt Nam hiện nay chưa lớn, còn có độ trễ.
Thứ nhất, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tương đối thấp. Thậm chí, trong quý 2 tới, tỷ lệ giải ngân cũng chưa thể tăng đột biến để gây thêm áp lực đến khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước.
Thứ hai, các thành viên tham gia thị trường gồm Bảo hiểm Xã hội, Vietcombank, VietinBank, BIDV vẫn đang cố gắng tạo cầu đỡ. Bởi lẽ, đây là hoạt động gắn với một nhiệm vụ đặc biệt của họ, không liên quan quá nhiều đến việc tối ưu hóa lợi nhuận trong sử dụng vốn.
Đấu thầu trái phiếu Chính phủ ở mức thấp dù số lượng đăng ký lớn gấp 1,8 lần số lượng gọi thầu; cùng đó, lãi suất liên ngân hàng vẫn cao. Điều này cho thấy, áp lực tăng lãi suất đang trở nên ngày một rõ ràng.
Tuy nhiên, khi các nguyên nhân trên dần được giải toả, đặc biệt khi tốc độ giải ngân đầu tư công lớn dần thì diễn biến tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ là điều không thể tránh trong thời gian tới.
Theo kế hoạch vừa công bố của Kho bạc Nhà nước, trong quý 2/2022, cơ quan này dự định phát hành 120.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tăng 20% so với cùng kỳ và tập trung chủ yếu vào kỳ hạn 10 năm, 15 năm (chiếm 66,7% tổng lượng phát hành).
Quay lại diễn biến tuần trước trên thị trường tiền tệ, hoạt động OMO tương đối sôi động. Trong đó, kênh cầm cố có 1.321 tỷ đồng trúng thầu và 714 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm đã bơm ròng 517 tỷ đồng. Cộng với khối lượng đang lưu hành, tổng số tiền các thành viên đã được nhà điều hành hỗ trợ là 5.025 tỷ đồng.
Dù được hỗ trợ nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao. Chốt ngày 8/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,06%; 1 tuần 2,16%; 2 tuần 2,18%; 1 tháng 2,18%.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 1976/ NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm bất động sản, chứng khoán, dự án BOT và BT và trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, khi Chính phủ siết chặt hơn các hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Rất có thể, lãi suất liên ngân hàng VND chỉ đi ngang ở mặt bằng hiện tại.