Luật Phá sản 2014 và đề xuất sửa đổi để "cứu" doanh nghiệp
Tòa án nhân dân tối cao đề xuất cần sửa đổi, hoàn thiện thủ tục phá sản giản lược nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí; ngoài ra cũng cần sửa đổi, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh phù hợp, nhằm cứu doanh nghiệp và bảo toàn tiền, tài sản của các chủ thể…
Tòa án nhân dân tối cao đã đăng công khai dự thảo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014.
Luật Phá sản 2014 đã tạo hành lang pháp lý cho để tòa án giải quyết hiệu quả việc phá sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Từ năm 2015-2023, các tòa án đã thụ lý 1.510 vụ việc phá sản. Có vụ việc giải quyết trong thời gian 1 tháng, có vụ kéo dài 10 năm, 16 năm đến nay vẫn đang thi hành.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai Luật Phá sản 2014 còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là thủ tục phục hồi; thủ tục phá sản doanh nghiệp; thẩm quyền tòa án; thủ tục phá sản giản lược; về hòa giải trong giải quyết phá sản…
Đánh giá nhu cầu thực tiễn, tòa án cho rằng cần xây dựng thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã có đủ điều kiện luật định. Đặc biệt, cần áp dụng thủ tục hòa giải trong giải quyết vụ việc phá sản.
Theo tòa án, Luật Phá sản 2014 khuyến khích thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong một khoảng thời gian ngắn (20 ngày) nên thường không đạt được kết quả thương lượng thành.
Mặt khác, giải quyết phá sản là thủ tục đòi nợ tập thể, việc thương lượng giữa từng chủ nợ riêng lẻ sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong giải quyết phá sản vì các chủ nợ khác không được thanh toán nợ.
Thực tiễn giải quyết phá sản cho thấy có nhiều trường hợp thẩm phán giải quyết phá sản tiến hành hòa giải thành công để các chủ nợ nhất trí cho doanh nghiệp được phục hồi.
Có trường hợp các chủ nợ và doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán có thể thỏa thuận được với nhau về việc giảm nợ (xóa nợ một phần) và phương thức thanh toán, yêu cầu tạm ngừng thủ tục phá sản một khoảng thời gian nhất định để thực hiện việc thanh toán; thành viên hoặc cổ đông công ty đề xuất phương án bán vốn góp, cổ phần hoặc tăng vốn đầu tư; nhà đầu tư khác muốn mua vốn góp, cổ phần để trở thành chủ sở hữu, tái đầu tư và trả nợ cho chủ nợ…
Tuy nhiên, do Luật Phá sản 2014 hiện hành không có quy định về thủ tục hòa giải và công nhận sự thỏa thuận của các bên tham gia thủ tục phá sản (kể cả những người khác tuy không trực tiếp tham gia thủ tục phá sản, nhưng có quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp) nên thẩm phán không thể ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Mặc dù nội dung thỏa thuận không trái pháp luật và không trái đạo đức xã hội và có thể góp phần giải quyết vụ việc phá sản nhanh chóng và hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trên, tòa án kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cụ thể, quy định chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh phù hợp, nhằm cứu doanh nghiệp và bảo toàn tiền, tài sản của các chủ thể.
Ngoài ra, nghiên cứu, quy định thủ tục phục hồi giản lược và thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện luật định; quy định đơn giản về thủ tục, điều kiện, rút ngắn về thời gian, giảm chi phí so với thủ tục chung.
Nghiên cứu, quy định về thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả.
Hoàn thiện quy định về vai trò, nhiệm vụ của quản tài viên theo hướng bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn đối với quản tài viên; bổ sung quyền và cơ chế hỗ trợ quản tài viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ như thu thập tài liệu, chứng cứ, kiểm kê tài sản, thực hiện việc đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã trong các tranh chấp về tài sản phá sản và trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện… Đồng thời hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về xử lý tài sản bảo đảm; định giá tài sản, bán đấu giá tài sản; thời hạn tổ chức định giá tài sản… Mặt khác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia giải quyết vụ việc phá sản và chuẩn bị các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu giải quyết phục hồi, phá sản doanh nghiệp…