Masayoshi Son, nhà kiến tạo tỷ phú lừng danh

An Huy
Chia sẻ

Masayoshi Son - ông chủ của SoftBank, người được biết tới với không ít những thất bại nhưng bù lại ông đã có công tạo ra hàng chục tỷ phú trẻ tuổi...

Tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son - Ảnh: Bloomberg.
Tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son - Ảnh: Bloomberg.

Trong sự nghiệp đầu tư của mình, tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son đã phạm phải một số sai lầm không hề nhỏ.

PHONG CÁCH ĐẦU TƯ "HOẶC CHƠI LỚN HOẶC VỀ NHÀ"

Tập đoàn SoftBank của ông đã rót hàng tỷ USD vào WeWork của Adam Neumann để rồi gánh thua lỗ lớn khi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của “kỳ lân” này thất bại. SoftBank cũng từng đặt cược rằng Lex Greensill – người mà ông Son gọi là “money guy” (tạm dịch: “người làm ra tiền”) – sẽ tạo ra một cuộc cách mạng tài chính, nhưng doanh nhân người Australia này rốt cục phải đối mặt với các cáo buộc hình sự ở Đức. SoftBank còn đầu tư vào công ty thanh toán Wirecard của Đức, và cuối cùng chứng kiến công ty này “sập tiệm”.

Mặc những thất bại đó, ông Son đang thành công hơn bao giờ hết.

Hồi tháng 3, Công ty Hàn Quốc Coupang có vụ chào sàn ấn tượng ở New York đưa giá trị tài sản ròng của nhà sáng lập Bom Kim lên 8,6 tỷ USD ngay sau ngày giao dịch đầu tiên. Vụ đầu tư vào Coupang đóng góp 24,5 tỷ USD vào lợi nhuận của Vision Fund – quỹ đầu tư thuộc SoftBank. Vào tháng 2, cổ phiếu trang web mua bán ô tô cũ Auto1 Group cũng tăng giá mạnh ngay khi vừa lên sàn. Trước đó vài tháng, nền tảng giao hàng DoorDash có lúc tăng tới 92% trong phiên chào sàn. Khoản đầu tư 680 triệu USD mà SoftBank rót vào DoorDash đã đạt trị giá 9 tỷ USD hồi tháng 2.

Những khoản lãi ấn tượng này củng cố uy tín của ông Son với tư cách là một trong những nhà đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (start-up) có ảnh hưởng lớn nhất của khu vực châu Á. “Tôi rất biết ơn vì có một số nhà đầu tư không chỉ có phương tiện để đầu tư dài hạn, mà còn có tầm nhìn để đầu tư dài hạn”, ông Bom Kim nói về SoftBank vào năm 2019.

Sắp tới, sẽ có thêm nhiều start-up mà ông Son rót vốn và tiến hành IPO. Ông dự báo sẽ có tới 20 vụ IPO trong 1 năm tới đây của các công ty trong danh mục đầu tư gồm khoảng 160 star-tup của SoftBank. Trong số này, những cuộc chào sàn được kỳ vọng nhiều nhất bao gồm: Grab, ByteDance và Didi Chuxing.

“Ông Son luôn là kiểu người ‘hoặc chơi lớn hoặc về nhà’”, Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu về châu Á thuộc United First Parters, nhận định. “Chơi lớn và chơi táo bạo là đặc tính trong gen của ông ấy rồi”.

LUÔN GIỮ VỮNG MỘT TRIẾT LÝ 

Vị tỷ phú người Nhật đã quá quen với thăng trầm. Ông từng giữ vị trí người giàu nhất thế giới trong một thời gian ngắn ở giai đoạn bong bóng dotcom, nhưng vào năm 2000, tài sản của ông đã “bốc hơi” 70 tỷ USD chỉ trong vòng vài tháng. Cũng trong năm đó, ông Son đầu tư 20 triệu USD vào Công ty Alibaba của tỷ phú Jack Ma, khi công ty này còn là một trang web chưa ai biết đến. Cho tới nay, đó vẫn là thương vụ thành công nhất của Son.

Trong tất cả các vụ đầu tư từ trước đến nay, ông Son luôn giữ vững một triết lý là tìm kiếm những doanh nhân có sức hút lớn và trao cho họ những gì họ cần.

Vào năm 1995, ông Son gặp hai nhà đồng sáng lập Yahoo là Jerry Yang và David Filo, cùng họ trò chuyện về tương lai của Internet trong lúc ăn bánh pizza và uống soda trong văn phòng nhỏ của hai người ở Mountain View, California. Sau cuộc gặp, ông Son quyết định “đặt cược tất cả mọi thứ vào bọn họ” – theo một cuốn tiểu sử về ông Son. Kết quả là SoftBank rót vốn vào Yahoo, công ty về sau trở thành một trong những trang nội dung có lượng truy cập lớn nhất của Mỹ.

Các thương vụ không phải lúc nào cũng thành công. SoftBank đã phải đánh tụt giá trị khoản đầu tư 1,5 tỷ USD rót cho Greensill – nguồn thạo tin tiết lộ hồi tháng 3, sau khi ghi lỗ khoảng 18 tỷ USD từ khoản đầu tư vào WeWork trong tài khoá trước đó.

“Có những lúc không ai nói Son là một nhà đầu tư vĩ đại”, ông Tang của United First Partners nói.

SoftBank ban đầu là một nhà phân phối phần mềm ở Nhật Bản trước khi chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và viễn thông. Năm 2017, công ty này mở quỹ Vision Fund với số vốn 100 tỷ USD. Dù vấp phải một số thất bại như đề cập ở trên, quỹ này cách đây ít hôm báo lãi năm 37 tỷ USD.

“Chúng ta chỉ sống một lần trên đời, nên tôi muốn nghĩ lớn”, ông Son – người sở hữu số tài sản ròng hơn 32 tỷ USD, theo dữ liệu của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index – nói vào năm 2017. “Tôi không hề có ý định đặt cược quy mô nhỏ”.

SẢN PHẨM ĐỂ ĐỜI LÀ DANH SÁCH DÀI CÁC TỶ PHÚ

Với quan điểm này, ông Son và SoftBank đã tạo ra một danh sách dài các tỷ phú thông qua các thương vụ đầu tư. Hãng tin Bloomberg đã điểm lại những tỷ phú như vậy:

Công ty: Slack
Tỷ phú: Stewart Butterfield (1,7 tỷ USD)
Thời điểm IPO: tháng 6/2019

Stewart Butterfield
Stewart Butterfield

Slack, ứng dụng chat tại nơi làm việc của Stewart Butterfield đã gây chấn động giới văn phòng trước khi dịch Covid-19 thay đổi cách nghĩ về công sở. Ứng dụng này đã loại bỏ sự cần thiết của email trong nhiều trường hợp và dẫn tới sự ra đời của hàng loạt ứng dụng “ăn theo”. Slack thu hút sự chú ý của SoftBank vào năm 2017. Ở thời điểm đó, Vision Fund rót 250 triệu USD nhằm đưa Slack trở thành một công cụ chính thống trong các văn phòng. Slack đã lên sàn chứng khooán vào năm 2019, rồi sau đó đạt được thỏa thuận “bán mình” trị giá 27,7 tỷ USD để sáp nhập vào Salesforce.

Công ty: Uber
Tỷ phú: Travis Kalanick (3,9 tỷ USD), Garrett Camp (3,3 tỷ USD), Ryan Graves (1,3 tỷ USD)
Thời điểm IPO: tháng 5/2019

Bộ ba tỷ phú Uber, từa trái qua: Garrett Camp, Ryan Graves, và Travis Kalanick.
Bộ ba tỷ phú Uber, từa trái qua: Garrett Camp, Ryan Graves, và Travis Kalanick.

Ứng dụng gọi xe mà Travis Kalanick sáng lập nên có lúc là thành công lớn nhất, có lúc lại là thất bại lớn nhất của SoftBank. Là tâm điểm trong sự đặt cược 18 tỷ USD của ông Son vào nền kinh tế chia sẻ, Uber đã sử dụng hàng tỷ USD từ Vision Fund và các nhà đầu tư lớn khác để mở rộng mạnh mẽ thị trường ngoài Mỹ, để rồi thua lỗ chồng chất dẫn tới phải rút khỏi thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Cổ phiếu Uber đã lao dốc sau khi IPO, nhưng hai nhà đồng sáng lập Kalanick và Garrett Camp, cũng nhân viên đầu tiên của Uber là Ryan Graves đều đã trở thành tỷ phú. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của CEO Dara Khosrowshani, Uber đang trên đà đạt tới lợi nhuận trong 2021.

Công ty: Auto1
Tỷ phú: Christian Bertermann (1,6 tỷ USD), Hakan Koc (1,6 tỷ USD)
Thời điểm IPO: tháng 2/2021

Christian Bertermann và Hakan Koc
Christian Bertermann và Hakan Koc

 Auto1 là một trong những vụ IPO lớn nhất và thành công nhất ở châu Âu trong năm nay. Cổ phiếu này có lúc tăng tới 49% sau khi lên sàn, nâng mạnh giá trị tài sản ròng của hai nhà sáng lập. Vision Fund đã đầu tư sớm vào Auto1, rót hơn 460 triệu USD vào năm 2017. Start-up của Đức này hiện có trị giá hơn 11 tỷ USD.

Công ty: Opendoor
Tỷ phú: Eric Wu (1 tỷ USD)
Thời điểm IPO: tháng 12/2020

Eric Wu
Eric Wu

Opendoor, sàn giao dịch trực tuyến bất động sản do Eric Wu sáng lập, bắt đầu niêm yết cổ phiếu vào tháng 12 năm ngoái thông qua sáp nhập với một SPAC. Công ty nhận 400 triệu USD vốn đầu tư từ Vision Fund vào năm 2018. Dù vẫn đang thua lỗ này, mô hình của Opendoor được nhiều start-up và công ty đại chúng khác như Zillow và Redfin học theo.

Công ty: DoorDash
Tỷ phú: Tony Xu (2,8 tỷ USD), Andy Fang (2,6 tỷ USD), Stanley Tang (2,5 tỷ USD)
Thời điểm IPO: tháng 12/2020

Từ trái qua: Stanley Tang, Tony Xu, và Andy Fang
Từ trái qua: Stanley Tang, Tony Xu, và Andy Fang

DoorDash là dịch vụ giao đồ ăn phổ biến nhất tại Mỹ, thể hiện ưu thế so với các đối thủ như Uber Eats trong thời gian phong tỏa chống Covid. Ba nhà sáng lập là Tony Xu, Andy Fang và Stanley Tang  đều sở hữu khối tài sản trị giá hơn 2 tỷ USD mỗi người. Ba doanh nhân này thành lập DoorDash hơn 7 năm trước, khi họ còn là sinh viên của Đại học Stanford, với hy vọng có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm. DoorDash được SoftBank rót khoảng 680 triệu USD vào năm 2018 và khoản đầu tư này hiện có giá trị 9 tỷ USD – theo tiết lộ của ông Son hồi tháng 2.

Công ty: KE Holdings
Tỷ phú: Zuo Hui (11 tỷ USD), Peng Yongdong (1,4 tỷ USD)
Thời điểm IPO: tháng 8/2020

Zuo Hui
Zuo Hui

KE Holdings là một trong những thương vụ đầu tư thành công của SoftBank. Công ty vận hành một chuỗi văn phòng bất động sản ở Trung Quốc, kết hợp với một sàn điện tử kết nối người bán với người mua nhà. Giá cổ phiếu của KE Holdings tăng gần gấp đôi trong phiên giao dịch đầu tiên tại Mỹ vào tháng 8/2020, đưa nhà sáng lập Zuo Hui thăng hạng mạnh trong Bloomberg Billionaires Index. SoftBank có tầm nhìn xa khi đầu tư 1,35 tỷ USD cho KE vào năm 2019, định giá công ty này ở mức 10 tỷ USD tại thời điểm đó. Đến nay, giá trị vốn hoá của KE đã tăng gấp khoảng 6 lần.

Công ty: Coupang
Tỷ phú: Bom Kim (8,6 tỷ USD)
Thời điểm IPO: tháng 3/2021

Bom Kim
Bom Kim

Được xem là Amazon của Hàn Quốc, Coupang gây sửng sốt ngay trong phiên giao dịch đầu tiên hồi tháng 3 khi giá cổ phiếu tăng 97%. Nhà đồng sáng lập Bom Kim, một người bỏ học Harvard giữa chừng, đã nhận được 1 tỷ USD tiền vốn từ SoftBank vào năm 2015, tiếp đó là 2 tỷ USD từ Vision Fund vào năm 2018. Cuộc chào sàn của Coupang là vụ IPO lớn nhất tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc từ trước đến nay, đưa Bom Kim trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Dịch vụ giao hàng trong một ngày của Coupang đang được các trang thương mại điện tử trên khắp châu Á học theo.

Công ty: Zhong An
Tỷ phú: Ou Yafei (1,2 tỷ USD)
Thời điểm IPO: tháng 9/2017

Ou Yafei (giữa)
Ou Yafei (giữa)

Công ty bảo hiểm trực tuyến Trung Quốc Zhong An không gây được nhiều sự hào hứng và chú ý so với những thương vụ khác của SoftBank, dù cũng được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư có tên tuổi như Jack Ma và Ant/Alibaba, Tencent của Pony Ma và công ty bảo hiểm Ping An. Trong phiên giao dịch đầu tiên vào năm 2017, giá cổ phiếu của ZhongAn tăng 18%. SoftBank giữ vai trò nổi bật khi là nhà đầu tư nền tảng duy nhất trong vụ IPO trị giá 1,5 tỷ USD của Zhong An, rót 550 triệu USD để mua cổ phiếu của công ty này.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con