Mặt bằng lãi suất huy động cao tiếp tục hút tiền gửi từ dân cư
Tính đến cuối tháng 11/2022 so với đầu năm, tổng tiền gửi toàn hệ thống tăng 5,5%, trong đó, tốc độ tăng tiền gửi dân cư 8,38% trong khi tiền gửi tổ chức chỉ tăng 2,9%. Nhiều dự báo dư địa tăng nhẹ lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng nhỏ vẫn còn trong 6 tháng đầu năm 2023...
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tổ chức và dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng, tăng 126.938 tỷ đồng so với tháng 10.
Trong đó, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng gần 84.600 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,74 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng 42.341 trong tháng 11 lên 5,8 triệu tỷ đồng.
So với đầu năm, tổng tiền gửi của toàn hệ thống tăng 5,5%, tương đương tăng hơn 607.700 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 8,38%, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 2,9%.
Nguyên nhân khiến người dân tăng tiền gửi ngân hàng là mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng ở mức cao. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng phổ biến từ 9% đến 10%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, một số ngân hàng huy động tới 11,5%/năm.
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, trong ngắn hạn, mức tăng tiền gửi tại hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ chững lại trong kỳ báo cáo tháng 12/2022. Bởi lẽ, đây là dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu thanh toán chi trả bằng tiền mặt của người dân luôn tăng cao.
Cùng đó, ngày 7/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp với các hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm nhiệt và hiện đã được hạ 1-2% ở tất cả các kỳ hạn. Với diễn biến này, kênh gửi tiền tiết kiệm cũng bớt hấp dẫn hơn thời gian trước đó.
"Nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì như hiện nay (9-10%) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển. Bởi cách đơn giản nhất là người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư".
(Ông Nguyễn Quang Thuân,Tổng giám đốc Fiin Ratings)
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong trung hạn, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng nên số dư tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Sau sự việc liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Dù vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
Trên cơ sở đó, VCBS dự báo, lãi suất huy động đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1 - 1,5 điểm phần trăm.
Đánh giá về thực tế này, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings đánh giá, ở góc độ người dân lựa chọn kênh đầu tư so với tiết kiệm, nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì như hiện nay (9-10%) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển. Bởi cách đơn giản nhất là người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư.