Mô hình nuôi cá dầm xanh “đánh thức” kinh tế bản vùng cao Trung Sơn

Nguyễn Thuấn
Chia sẻ

Giữa vùng cao còn nhiều khó khăn về giao thông, một “thủ phủ cá giống” đang hình thành từ những ao cá và bàn tay cần mẫn của những người nông dân Thái. Từ một mô hình nhỏ nuôi cá giống dầm xanh, người dân nơi đây đã dần tìm được lối đi riêng trong phát triển kinh tế...

Mô hình nuôi cá giống dầm xanh tại Trung Sơn, với người khởi xướng là ông Hà Văn Khường, một nông dân người Thái cần mẫn.
Mô hình nuôi cá giống dầm xanh tại Trung Sơn, với người khởi xướng là ông Hà Văn Khường, một nông dân người Thái cần mẫn.

Bị chia cắt bởi địa hình núi non hiểm trở, bản Pượn, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) từng là nơi cái nghèo đeo đẳng từng nóc nhà. Cách trung tâm xã Trung Sơn khoảng 8km, đường vào bản chủ yếu là đường đất đá quanh co, có đoạn trơn trượt vào mùa mưa, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa vì vậy gặp nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, giữa vùng núi cao ấy, một mô hình kinh tế nổi bật đang giúp người dân bản địa đổi đời, mô hình nuôi cá giống dầm xanh, với người khởi xướng là ông Hà Văn Khường, một nông dân người Thái cần mẫn.

KHỞI NGUỒN LÀM KINH TẾ TỪ 30 CON GIỐNG

30 năm trước, vào năm 1995, ông Khường được bố mẹ vợ cho 30 con cá dầm xanh giống. Vốn có cái ao nhỏ trong vườn, ông thả nuôi thử. Sau hơn một năm, ông nhận thấy cá có khả năng sinh sản tốt, thích nghi với môi trường nước suối trong. Ban đầu, cá giống được nhân lên chỉ để phục vụ trong gia đình hoặc chia sẻ với bà con trong bản nhưng với sự nhạy bén và kiên trì, ông Khường sớm nhìn thấy tiềm năng nuôi loài cá này.

Đến năm 2014, các con ông Khường bắt đầu chia sẻ mô hình nuôi cá giống lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Khách hàng từ nhiều địa phương khác nhau liên hệ đặt mua giống. Nhận thấy nhu cầu lớn, ông mạnh dạn mở rộng quy mô: cải tạo ruộng thành ao, chuyển đổi 1 ha đất trước đây trồng tre luồng kém hiệu quả sang trồng sắn làm thức ăn cho cá.

Trang trại của ông Hà Văn Khường hiện có 14 ao nuôi cá dầm xanh giống.
Trang trại của ông Hà Văn Khường hiện có 14 ao nuôi cá dầm xanh giống.

Hiện gia đình ông Khường đang sở hữu 260 con cá bố mẹ, nhiều con đã gần 30 năm tuổi, trọng lượng trên 10kg. Mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường khoảng 250.000 con cá giống, thu về 600 triệu đồng. Trừ chi phí, ông lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm, một con số đáng mơ ước ở vùng núi.

“Cá giống nuôi khoảng 3 tháng là đạt kích cỡ bằng đầu đũa, có thể xuất bán. Chúng ăn chủ yếu là bột sắn nấu chín, sạch và lành. Vì cá lớn chậm nhưng thịt chắc, thơm ngon nên được nhiều nơi ưa chuộng”, ông Khường chia sẻ.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH, CẢ BẢN HỌC NUÔI CÁ

Từ mô hình đầu tiên ấy, người dân bản Pượn bắt đầu học hỏi, làm theo. Với lợi thế có nguồn nước suối Pượn chảy qua, trong vắt và quanh năm mát lành, 34 trong số 39 hộ dân trong bản đã cải tạo vườn, ruộng trũng để làm ao cá. Nhiều hộ còn tận dụng đất đồi để trồng cỏ voi, chuối, sắn tạo thành  chuỗi thức ăn tự nhiên cho cá dầm xanh.

Nguồn giống cho cả bản hiện chủ yếu được cung cấp từ trang trại của ông Khường. Ngoài ra, ông cũng tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Với những hộ khó khăn, ông Khường sẵn sàng hỗ trợ giống trước, khi thu hoạch có tiền sẽ trả sau.

Gia đình ông Khường hỗ trợ cá giống, kỹ thuật và cả vốn giúp nhiều hộ gia đình trong bản nuôi cá dầm xanh, phát triển kinh tế
Gia đình ông Khường hỗ trợ cá giống, kỹ thuật và cả vốn giúp nhiều hộ gia đình trong bản nuôi cá dầm xanh, phát triển kinh tế

Anh Vi Văn Hậu, 44 tuổi, là một trong những hộ dân thay đổi cuộc sống nhờ nuôi cá. Từng thuộc diện khó khăn của bản, năm 2021 anh được ông Khường tặng 30.000 con cá giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Sau ba năm, anh đã bán được hơn 2 tấn cá thương phẩm, thu về hơn 280 triệu đồng, lãi ròng khoảng 200 triệu.

“Có điều kiện kinh tế, giờ gia đình tôi đang xây ngôi nhà mới thay cho căn nhà sàn cũ. Từ chỗ trồng lúa không đủ ăn, giờ đã có của ăn của để nhờ nuôi cá”, anh Hậu kể.

Không chỉ giúp giống, kỹ thuật, ông Khường còn là điểm tựa tài chính cho bà con. Từ cuối năm 2024 đến nay, ông đã cho 8 hộ dân vay không tính lãi với tổng số tiền lên tới 400 triệu đồng, hộ vay nhiều nhất là 60 triệu. Ông nói: “Hồi tôi nghèo, cũng mong có người cho mình mượn vài triệu để nuôi cá. Giờ có điều kiện, tôi làm điều đó cho người khác”.

HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG CHO VÙNG CAO QUAN HÓA

Cá dầm xanh là loài cá đặc sản của vùng Tây Bắc, thường sống ở các con sông, suối nước trong. Loài cá này có tốc độ sinh trưởng chậm nhưng thịt chắc, ngọt, giá bán cao. Chính vì vậy, khi được nuôi bài bản tại bản Pượn, chúng nhanh chóng tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Theo ông Phạm Bá Tuế, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn: “Mô hình của ông Khường là mô hình điểm tại địa phương. Nhờ ông làm gương, người dân trong bản đã biết tận dụng mọi điều kiện để phát triển kinh tế. Không chỉ có cá giống, nhiều hộ còn bắt đầu nuôi cá thương phẩm, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa”.

“Cá dầm xanh giống ở bản Pượn đang được nhiều nơi biết đến, chất lượng tốt, thị trường ổn định. Nhưng để phát triển lâu dài cần thêm các điều kiện như đường sá, tiếp cận vốn, và nhất là hướng dẫn người dân tiếp cận kỹ thuật cao, bảo tồn chất lượng cá giống”, ông Tuế đánh giá.

Mô hình của ông Khường là mô hình điểm tại địa phương
Mô hình của ông Khường là mô hình điểm tại địa phương

Hiện cá giống bản Pượn không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh Thanh Hóa mà còn được các thương lái từ Sơn La, Nghệ An, Hòa Bình… tìm đến đặt hàng. Giá bán ổn định, đầu ra thuận lợi là những tín hiệu tích cực để người dân tiếp tục đầu tư mở rộng.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là giao thông. Tuyến đường chính dẫn vào bản còn nhiều đoạn đất đá, vận chuyển cá giống ra ngoài gặp khó khăn, nhất là vào mùa mưa. “Chúng tôi mong muốn con đường sớm được cải tạo, để xe cộ vào tận bản, vừa giúp tiêu thụ cá dễ hơn, vừa mở ra cơ hội giao thương với bên ngoài”, ông Khường bày tỏ.

Giữa vùng đất từng bị xem là "ốc đảo" tách biệt, giờ đây lại hiện lên một hình ảnh bản làng nhộn nhịp với những ao cá, ruộng sắn, vườn chuối. Từ con cá dầm xanh và một tấm lòng sẵn sàng sẻ chia, bản Pượn đã và đang từng bước khẳng định con đường phát triển kinh tế gắn với bản sắc, một hướng đi bền vững của vùng cao Quan Hóa.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con