Mối lo lạm phát đè nặng, chứng khoán Mỹ và giá dầu giằng co
Thị trường chứng khoán Mỹ và giá dầu thô cùng giằng co trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (15/11), khi nhà đầu tư bị ám ảnh bởi vấn đề lạm phát và chờ các số liệu kinh tế tiếp theo dự kiến được công bố trong tuần...
Chỉ số S&P 500 “nhùng nhằng” giữa hai trạng thái giảm và tăng suốt phiên, có lúc tăng 0,3%, có lúc giảm hơn 0,2%. Dù hiệu ứng của mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan vẫn còn, tâm lý nhà đầu tư đang bị đè nặng bởi nỗi lo lạm phát leo thang.
Đà tăng chóng mặt của giá cả ở Mỹ đang khiến Phố Wall tính đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Số liệu công bố tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng mạnh nhất 30 năm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vì thế tăng mạnh trong những phiên gần đây, gây sức ép giảm lên các nhóm cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ.
Phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mức 1,62%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm vượt 2%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,04%, còn 36.087,45 điểm. S&P 500 đi ngang so với mức chốt cuối tuần trước, giữ ở 4.682,8 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,04%, còn 15.853,85 điểm.
Ông Paul Christopher, trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu thuộc Wells Fargo Investment Institute, nhận định rằng lạm phát sẽ dịu đi trong năm 2022, nhưng “con đường đi tới mức lạm phát thâp hơn sẽ bắt đầu bằng mức lạm phát cao hơn trong nửa đầu năm sau”.
“Những nhân tố dai dẳng đẩy lạm phát lên cao có thể sẽ duy trì, nhưng kịch bản chính của chúng tôi là những nhân tố này sẽ không mạnh hơn sự cải thiện của những nhân tố mà chúng tôi cho là tạm thời”, ông Christopher viết trong một báo cáo.
Tuần này, loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn của Mỹ sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021, bắt đầu là Walmart với báo cáo vào ngày thứ Ba. Tình hình kinh doanh của các công ty này sẽ mang lại cho nhà đầu tư một cái nhìn sâu hơn về chi tiêu của người tiêu dùng – một thước đo về ảnh hưởng của lạm phát đến tăng trưởng kinh tế.
Cũng trong ngày thứ Ba, thị trường sẽ đón nhận một loạt báo cáo kinh tế quan trọng khác, bao gồm doanh thu bán lẻ tháng 10 và sản lượng công nghiệp tháng 10.
Chiều ngày thứ Hai theo giờ Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật gói đầu tư hạ tầng trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD. Đây là kế hoạch do ông Biden khởi xướng và đã được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua gần đây.
Giá dầu đã có một phiên giao dịch đầu tuần không rõ xu hướng, khi nhà đầu tư băn khoăn với hai câu hỏi: liệu nhu cầu dầu thô sẽ tăng hay nhu cầu sẽ yếu đi sau đợt giá năng lượng leo thang vừa rồi. Ngoài ra, đồng USD tăng giá và số ca nhiễm Covid-19 mới tăng lên ở nhiều quốc gia cũng đang gây áp lực giảm lên giá dầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,12 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 82,05 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,08 USD/thùng, tương đương tăng 0,1%, đạt 80,88 USD/thùng.
Thị trường cũng đang đồn đoán về việc liệu chính quyền ông Biden có xả dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) để bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước hay không.
Đồng USD tiếp tục tăng giá trong phiên đầu tuần, gây sức ép mất giá đối với các hàng hoá cơ bản như dầu. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đạt mức cao nhất 14 tháng – một dấu hiệu cho thấy đồng bạc xanh đang được giới đầu tư mua mạnh để phòng ngừa những rủi ro về nền kinh tế toàn cầu cũng như đặt cược vào khả năng Fed đẩy nhanh thắt chặt.
Theo Rystad Energy, sản lượng dầu đá phiến tháng 12 của Mỹ có thể đạt 8,68 triệu thùng/ngày, bằng mức trước đại dịch. Cũng trong tuần trước, số giàn khoan dầu khí hoạt động ở Mỹ đã tăng tuần thứ ba liên tiếp, khi các công ty dầu khí nước này được khuyến khích bởi việc giá dầu WTI đã tăng 65% từ đầu năm.
Trong khi đó, nhiều dấu hiệu đang cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu có thể yếu đi do số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng và lạm phát.
Châu Âu hiện đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch Covid-19 toàn cầu, khiến một số chính phủ phải tái áp phong toả. Trung Quốc cũng đang vật lộn với sự lây lan của biến chủng Delta.
Cũng trong tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạ dự báo nhu cầu dầu quý 4.
“Thị trường hiện nay có vẻ như đã bớt lo về tình trạng thắt chặt nguồn cung, cho rằng tình trạng này sẽ không kéo dài”, nhà phân tích Louise Dickson của Rystad nhận định. “Thay vào đó, các nhà giao dịch đang tập trung vào hai yếu tố bất lợi cho giá dầu, bao gồm khả năng nguồn cung dầu tăng lên và số ca nhiễm Covid tăng lên.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei nói rằng tất cả các chỉ báo hiện nay đều báo hiệu về sự dư thừa nguồn cung dầu trong quý 1/2022.
“Rất ít có khả năng nhóm OPEC+ sẽ tăng sản lượng mạnh hơn, nhất là nếu họ dự báo thị trường sẽ quay trở lại tình trạng thừa dầu trong quý 1/2022”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc Oanda nhận định.