Mức thanh toán bảo hiểm y tế trong một số trường hợp sẽ tăng theo mức lương cơ sở
Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở chính thức tăng lên 2,34 triệu đồng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, kéo theo mức thanh toán bảo hiểm y tế trong một số trường hợp cũng tăng lên…
Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, bên cạnh việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế thì quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế của người dân cũng được tăng theo.
MỨC CHI TRẢ TRONG PHẠM VI ĐƯỢC HƯỞNG TĂNG
Cụ thể, tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh như: Tăng mức chi phí khám chữa bệnh không phải cùng chi trả bảo hiểm y tế từ 270.000 đồng lên 351.000 đồng cho một lần khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Mức chi trả tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ cao, chi phí lớn tăng từ 81 triệu đồng lên 105,3 triệu đồng.
Với trường hợp đi khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến huyện không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở, và tăng từ 900.000 đồng lên 1,17 triệu đồng.
Trường hợp đi khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, mà không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở, và tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.
Đi khám chữa bện nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương, mà không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quỹ sẽ thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở, và tăng từ 4,5 triệu đồng lên 5,85 triệu đồng.
Liên quan đến chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thông tin tại hội nghị triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế 6 tháng cuối năm 2024 ngày 16/7, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhận định, trong 6 tháng cuối năm, công tác giám định, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ có nhiều khó khăn, thách thức do những thay đổi về chính sách.
Đặc biệt, việc tăng lương cơ sở sẽ tác động tăng giá dịch vụ tế, cùng một số yếu tố tăng kép, nên áp lực lên Quỹ Bảo hiểm y tế là rất lớn.
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, toàn quốc đã có hơn 88 triệu lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ người bệnh nội trú là 9,98%, tăng 0,08% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, cơ sở khám chữa bệnh đã đề nghị thanh toán số tiền từ Quỹ Bảo hiểm y tế tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu chi phí, có điểm đáng lưu ý là chi phí tiền giường và vật tư y tế đang chiếm tỷ trọng lớn, và có chiều hướng gia tăng.
Trong công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Phúc thông tin, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tháng 6 so với tháng 5 toàn quốc giảm 9%. Số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của tất cả các tỉnh đều giảm. Số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thanh toán tháng 6, toàn quốc giảm gần 8%, và cũng giảm ở tất cả các tỉnh.
Trong đó, Thái Bình, Hà Giang có tỷ lệ giảm nhiều nhất với hơn 15%; Hải Dương giảm 14,8%; Kiên Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam giảm trên 13%...
TIẾP TỤC KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH
Để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiệu quả trong nửa cuối năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát, nghiên cứu thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của ngành trong vấn đề này. Đặc biệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác giám định, đảm bảo tính khách quan, tạm ứng, thanh toán đúng quy định.
Các địa phương cũng cần phân tích, nắm được trên địa bàn các cơ sở, yếu tố tăng cao bất hợp lý để cảnh báo sớm. Hơn hết, cần chọn đúng nội dung cảnh báo, chọn các chỉ số gia tăng rõ ràng nhất.
Ngoài việc so sánh chỉ số gia tăng tháng trước, tháng sau, cùng kỳ của cơ sở đó, cần cung cấp thông tin so sánh chỉ số gia tăng với các cơ sở cùng tuyến, cùng hạng trong tỉnh/theo khu vực hoặc toàn quốc để tăng tính thuyết phục.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần phối hợp với Sở Y tế thực hiện đúng quy định về đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu; triển khai kiểm soát, chữa bệnh mãn tính tại tuyến cơ sở; hoàn thiện quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2023 chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời, chủ động phân tích đưa ra những chi phí không hợp lý, để thống nhất với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc ngành cần tích cực nghiên cứu, tham mưu góp ý hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế như: Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); các thông tư sử đổi danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật; hướng dẫn các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.