Mỹ dự hội nghị cấp cao với ASEAN, sau 4 năm vắng bóng
Mỹ đã không tham dự hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN kể từ sau khi Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump tham dự hội nghị Mỹ - ASEAN tại Manila (Philippines) năm 2017...
Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ đại sứ quán Mỹ tại Brunei – quốc gia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2021, cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ, nằm trong chuỗi sự kiện cấp cao ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 26-28/10.
Đây là lần đầu tiên trong 4 năm Mỹ tham gia sự kiện cấp cao của ASEAN trong bối cảnh Washington xem khối này là nhân tố quan trọng trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Mỹ đã không tham dự các hội nghị với ASEAN kể từ sau khi người tiền nhiệm của ông Biden – Tổng thống Donald Trump – tham dự hội nghị Mỹ - ASEAN tại Manila (Philippines) năm 2017.
Nhà Trắng cho biết ông Biden dự kiến thảo luận về cam kết “lâu dài” của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và sáng kiến mới nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN nhằm hợp tác “chấm dứt đại dịch Covid-19, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết một loạt các thách thức và cơ hội khác trong khu vực”.
Tại hội nghị, ông Biden được cho là sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề như hợp tác phân phối vaccine Covid-19, khí hậu, chuỗi cung ứng và hạ tầng.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không đề cập cụ thể tới Trung Quốc trong nội dung chuẩn bị cho sự kiện này. Mỹ và Trung Quốc đang làm việc để tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa ông Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay.
Ngoài ra, ông Biden cũng có thể sẽ khẳng định với ASEAN rằng việc Mỹ tập trung vào nhóm Bộ tứ (Quad) cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia gần đây cũng như thỏa thuận cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Australia không nhằm thay thế vai trò trung tâm trong khu vực của ASEAN.
Tuần trước, Edgard Kagan, Giám đốc cấp cao về Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nhấn mạnh rằng Washington không coi Bộ tứ là “NATO châu Á” và không có ý định cạnh tranh với ASEAN.
“Washington quan tâm đến việc hợp tác với ASEAN nhằm đảm bảo khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, về vấn đề khí hậu và giải quyết các thách thức chung về vấn đề hàng hải”, ông Kagan khẳng định.
Theo Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington, đây sẽ là hội nghị đầu tiên mà ông Biden tham gia cùng các nhà lãnh đạo ASEAN với tư cách Tổng thống Mỹ.
“Vì vậy, ông Biden có thể sẽ muốn khẳng định với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Đông Nam Á có vai trò quan trọng với chính quyền của mình”, ông Hiebert nhận định.
Cũng theo ông Hiebert, ở chiều ngược lại, lãnh đạo các nước ASEAN có thể quan tâm tới kế hoạch của Mỹ (nếu có) trong việc phân phối vaccine Covid-19 trong khu vực – nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cũng như chính sách thương mại, đầu tư và hạ tầng của Washington tại khu vực.
Chuỗi sự kiện ASEAN diễn ra trong tuần này gồm: Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39, các hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nga), Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Cũng trong dịp này, sẽ diễn ra một số hội nghị cấp cao của các nước tiểu vùng ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự 14/17 hoạt động trong chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự có đại diện Lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong Chính phủ. Chuỗi hội nghị ASEAN này là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội XIII của Đảng.