Nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 lên 57 - 58 tỷ USD
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm…
Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 toàn ngành nông lâm ngư nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 5/7, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây (tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu các năm: năm 2020 tăng 1,24%, năm 2021 tăng 3,77%, năm 2022 tăng 2,78%, năm 2023 tăng 3,26%).
NHIỀU LĨNH VỰC VƯỢT KẾ HOẠCH
Lũy kế các vụ lúa từ đầu năm nay đến nay, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,48 triệu ha, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha. Đến nay, sản lượng lúa trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và tổ chức tập huấn Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải cho 5 địa phương triển khai mô hình thí điểm. Đồng thời, xây dựng Nghị định cơ chế thí điểm chi trả kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính.
Đối với ngành chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%; sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 1,21 triệu tấn, tăng 4,9%; trứng đạt gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%; sản lượng thịt bò hơi đạt 255,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng sữa 643,7 nghìn tấn, tăng 5,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2924, GDP nông nghiệp tăng 3,15%; GDP lâm nghiệp tăng 5,34%; GDP thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023".
Đối với ngành lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, cả nước chuẩn bị 593 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng, diện tích rừng trồng mới tập trung 125,5 nghìn ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, chú trọng quản lý giống (tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát chất lượng đạt 85%), trồng rừng theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Sáu tháng đầu năm, sản lượng gỗ khai thác rừng trồng tập trung 9,93 triệu m3, tăng 6,3%. Điều đáng nói, tăng trưởng GDP của ngành Lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay đạt 5,34%, cao nhất so với các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích sản xuất muối 10.804 ha, sản lượng 789,2 nghìn tấn.
Tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 2.115 xã nông thôn mới nâng cao (tăng 503 xã so với cuối năm 2023); 463 xã nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 207 xã). Có 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4 tỉnh so với cuối năm 2023. Đến nay, cả nước đã công nhận 13.368 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng 2.312 sản phẩm so với cuối năm 2023) với 7.425 chủ thể tham gia.
Để ổn định và tránh tăng đột biến giá hàng nông sản và giá nguyên liệu vật tư đầu vào trước bối cảnh tăng lương từ 01/7/2024, Bộ đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Cùng với đó, Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 145/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 về Kế hoạch triển khai Quy hoạch Phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Mặt khác tiếp thu, hoàn thiện Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY TỪ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SANG KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những thách thức. Thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất, công tác phòng chống cháy rừng, ô nhiễm môi trường... đang có những thách thức lớn.
Sản xuất nông nghiệp tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam trung bộ gặp nhiều khó khăn do khô hạn, xâm nhập mặn tăng cao.
Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn xảy ra những vụ việc vi phạm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, gây phản ứng dư luận xã hội.
Tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và tác động đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.
""Phấn đấu cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 - 4,0%, trong đó giá trị trồng trọt tăng 2,0 - 2,2 %; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4,0 - 5,0%; giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,7 - 4,0%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 5,0 - 5,5%".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết với những kết quả đạt được trong 6 tháng qua, Bộ đã nâng một số mục tiêu lên cao hơn so với mức Chính phủ giao từ đầu năm. Cụ thể, nâng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lên 57-58 tỷ USD (Chính phủ giao từ đầu năm là 55 tỷ USD).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Phải nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024 là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Phải chuyển đổi tư duy từ lấy sản lượng sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu; chuyển đổi tư duy từ tăng sản lượng sang tăng giá trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ phải quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác phối hợp thông qua đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; đặc biệt trong chỉ đạo các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Lựa chọn những giải pháp đột phá để định hướng sản xuất, như mở cửa thị trường xuất khẩu đồng thời coi trọng thị trường trong nước, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…
“Cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chỉ đạo từ sớm, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.