Nga mời Indonesia và nhiều nước châu Á mua dầu với giá siêu rẻ
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho biết Nga đã đề nghị bán dầu cho nước này "với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế"...
Theo nguồn tin của Bloomberg là một quan chức phương Tây, Nga đã tiếp cận một số quốc gia châu Á để đàm phán các hợp đồng cung cấp dầu dài hạn với mức giá giảm sâu.
Trong một chia sẻ trên mạng xã hội Instagram cuối tuần trước, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho biết Nga đã đề nghị bán dầu cho nước này "với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế".
“Tổng thống Joko Widodo đang xem xét đề nghị này nhưng đang có sự bất đồng. Có những lo ngại rằng chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ", ông Uno nói thêm.
Động thái của Moscow diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy việc áp mức giá trần đối với dầu Nga.
Nguồn tin nói trên của Bloomberg nhận định, việc Nga đề nghị bán dầu với mức giá giảm tới 30% cho châu Á có thể là một dấu hiệu cho thấy Moscow đang cố gắng "phủ đầu" các cuộc thảo luận của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) về việc đưa ra một ngoại lệ cho các lệnh trừng phạt sắp có hiệu lực của Liên minh châu Âu (EU) với dầu Nga. Ngoại lệ này sẽ cho phép các bên thứ ba mua dầu Nga với mức giá thấp theo như phương Tây đặt ra.
"Càng nhiều quốc gia tham gia, cơ chế áp trần giá dầu sẽ càng hiệu quả. Nếu không có các nước lớn tham gia, hiệu quả sẽ tương đối khiêm tốn".
Jason Bordoff, đồng sáng lập trường Columbia Climate School
Gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga theo đường biển, có hiệu lực từ ngày 5/12 tới. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại rằng việc này sẽ đẩy giá dầu tăng lên đáng kể và mang lại nguồn lợi béo bở cho Nga.
Một số quốc gia châu Âu đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng áp giá trần với dầu Nga. Song một số khác cho rằng điều này chỉ hiệu quả nếu phần lớn các nước mua dầu Nga ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, đồng ý tham gia.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết G7 đang thảo luận nghiêm túc về đề xuất trên, nhưng đây là vấn đề phức tạp và cần sự hỗ trợ của các quốc gia khác để có thể mang lại hiệu quả.
“Chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để thực hiện dự án chung này. Tuy nhiên, việc này sẽ không hiệu quả nếu chỉ có các nước G7 đồng ý. Những nước khác cũng cần tham gia với tư cách đối tác”, ông Scholz nói.
Hiện chưa rõ lập trường của các quốc gia châu Á đối với cơ chế áp trần giá dầu. Tuy nhiên, không nhiều quốc gia công khai bày tỏ sự ủng hộ. Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg với các doanh nghiệp Ấn Độ, nước này đang do dự vì lo ngại sẽ thua thiệt so với các nước khác trước cơ hội mua dầu thô đại hạ giá của Nga.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo tuần này đã đến Ấn Độ và gặp gỡ các quan chức chính phủ, doanh nghiệp để thảo luận về vấn đề an ninh năng lượng, tài chính, biến đổi khí hậu và công nghệ năng lượng sạch.
Tại một sự kiện ở Mumbai ngày 24/8, ông Adeyemo cho biết đang ngày càng nhiều nước đồng ý tham gia cơ chế áp giá trần với dầu Nga.
Các quan chức phương Tây ủng hộ cơ chế này đang muốn đưa vào thực thi trước khi lệnh cấm dầu Nga của EU có hiệu lực vào đầu tháng 12. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng mức giá trần sẽ tước đi nguồn thu cần thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời ổn định giá dầu trên toàn cầu khi các lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực.
Hiện tại, chi tiết về việc trần giá dầu sẽ được đặt như thế nào vẫn đang được các nước G7 thảo luận và tính minh bạch là một yếu tố quan trọng. Những người ủng hộ kế hoạch này cho rằng kể cả khi các nước lớn không chính thức tham gia, cơ chế này vẫn có thể làm giảm doanh thu dầu của Nga do những khách mua đó đã có thêm một lợi thế trong việc đàm phá giá với phía Nga.
“Tôi cho rằng việc này không giống một công tắc bật-tắt mà mang hiệu ứng tuyến tính nhiều hơn. Càng nhiều quốc gia tham gia, cơ chế áp trần giá dầu sẽ càng hiệu quả. Nếu không có các nước lớn tham gia, hiệu quả sẽ tương đối khiêm tốn”, ông Jason Bordoff, đồng sáng lập trường Columbia Climate School, nhận định trong một cuộc phỏng vấn.
Một yếu tố quan trọng nữa là sẽ áp đặt mức giá trần nào. Nguồn tin của Bloomberg cho biết các quan chức Mỹ đề xuất áp mức giá trần cao hơn một chút so với chi phí sản xuất biên của Nga. Tuy nhiên, mức giá trần cuối cùng sẽ phục thuộc một phần vào giá dầu toàn cầu khi cơ chế này có hiệu lực.
Với EU, để áp dụng cơ chế giá trần, khối này sẽ phải điều chỉnh gói trừng phạt được thông qua trước đó sau thời gian tranh luận căng thẳng và kéo dài vào mùa xuân năm ngoái. Tuy nhiên, Hungary, một nước thành viên EU, đã trì hoãn việc thảo luận cơ chế này nhiều tuần qua. Budapest đã phát tín hiệu rằng nước này sẽ phản đối bất kỳ mức giá trần nào được áp dụng với dầu Nga. Điều này báo hiệu một cuộc tình huống chính trị khó xử có thể xảy ra.