Mặc trừng phạt, xuất khẩu dầu Nga sang châu Âu đạt mức cao nhất 4 tháng
Theo dữ liệu của Bloomberg, xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga sang châu Âu tuần trước đạt mức cao nhất kể từ tháng 4...
Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 19/8, châu Âu đã nhập khẩu 3,41 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, cao hơn so với mức 3,24 triệu thùng/ngày của tuần trước đó.
Đa số các khách hàng mua dầu Nga tuần trước nằm ở khu vực Biển Đen, Địa Trung Hải và Bắc Âu. Xuất khẩu sang các nước Địa Trung Hải đã tăng 140.000 thùng/ngày, mức tăng lớn nhất từ trước tới nay.
Bất chấp các biện pháp trừng phạt liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, dòng chảy dầu Nga vẫn đóng vai trò trụ cột ở châu Âu. Hoạt động nhập khẩu dầu Nga tăng lên trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp lệnh cấm đối với dầu thô Nga, dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/12.
Điều này cũng diễn ra khi châu Âu đang cố gắng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran, nhằm tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng khi lệnh trừng phạt có liệu lực vào tháng 12. Lệnh trừng phạt này, cùng với lệnh cấm tự nguyện của Đức và Ba Lan với việc nhập khẩu dầu Nga qua đường ống, sẽ ảnh hưởng tới 2 triệu thùng dầu/ngày của Nga.
Khác với Mỹ, quốc gia không còn quá mặn mà với thỏa thuận hạt nhân này, EU có nhiều động lực hơn để hồi sinh thỏa thuận bởi khối này không có nhiều lựa chọn thay thế nếu thực thi lệnh cấm với tất cả hoạt động nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển sau ngày 5/12.
Trở lại với dầu Nga, tại châu Á, nhu cầu với mặt hàng này đang giảm dần những tuần gần đây, trước đó đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Trong tuần kết thúc vào ngày 19/8, dầu Nga vận chuyển qua đường biển sang châu Á giảm xuống 1,71 triệu thùng/ngày từ mức khoảng 2,1 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và tháng 5.
Ấn Độ, một khách hàng lớn của dầu Nga ở châu Á, gần đây chuyển sang mua dầu của Saudi Arabia nhiều hơn, giảm 7,3% lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong tháng 7. Dù vậy, Ấn Độ vẫn là những một trong những khách hàng lớn nhất của dầu thô Nga.
Trung Quốc hiện là khách hàng nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga. Theo dữ liệu từ Tổng Cục hải quan Trung Quốc, Nga tiếp tục là nhà cung cấp dầu mỏ số một của nước này trong tháng 7. Đây là tháng thứ ba liên tiếp Nga giữ vị trí này.
Nga cũng đang phát triển các thị trường mới cho dầu thô của mình. Một tàu chở dầu của Nga đang hướng tới Sri Lanka và hai tàu khác hiện đang bốc dỡ hàng tại cảng El Hamra của Ai Cập sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm quốc gia này vào tháng trước. Chính quyền Taliban của Afghanistan cũng đang muốn mua khoảng 1 triệu thùng dầu thô của Nga, theo hãng tin RIA Novosti của Nga.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô mang về cho điện Kremlin nguồn thu quan trọng trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nước này khó tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu. Theo một tài liệu của Bộ Kinh tế Nga do hãng tin Reuters thu thập được, Nga dự kiến thu 337,5 tỷ USD từ xuất khẩu năm lượng trong năm 2022, tăng 38% so với năm ngoái.