Ngành thuế phấn đấu thu 1.373 nghìn tỷ trong năm 2023

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Toàn ngành thuế sẵn sàng các kịch bản để phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách 1.373 nghìn tỷ đồng được giao năm 2023. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ như: rà soát nguồn thu còn tiềm năng, loại thuế còn thất thu; kiểm tra kê khai thuế những lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, doanh nghiệp được gia hạn, miễn thuế...

Nhiều áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.
Nhiều áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế là 1.373.244 tỷ đồng. Trong đó, thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng. Để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo dự toán Quốc hội đã giao cho cơ quan thuế, ngay từ đầu năm 2023, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế các cấp phải tập trung các giải pháp trọng tâm đảm bảo mục tiêu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

THU NỘI ĐỊA ĐỐI MẶT NHIỀU SỨC ÉP

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi áp lực từ sức ép lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác.

Đến nay đã có 80 nước trên thế giới có lạm phát từ 2 con số trở lên, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ… sẽ có thể kích hoạt sự suy giảm, thậm chí suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. 

Là nền kinh tế có độ mở cao, những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới đã và đang tạo sức ép lớn tới kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Cùng với đó, các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022; đồng thời, hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển.

 

Do đó, "trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023", Tổng cục Thuế nêu rõ khó khăn.

Trước những khó khăn kép mà nền kinh tế đang phải đối phó từ sức ép bên ngoài và nội tại nền kinh tế do tác động lớn của dịch bệnh trong hai năm qua đối với một số ngành, lĩnh vực, ngành thuế xác định nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ phải đối diện với những áp lực lớn.

TÁM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Bởi vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo trên, Tổng cục Thuế đưa ra 8 giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 để tổ chức triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu ngân sách nhà nước bền vững.

Đề xuất tiếp tục nâng cao các giải pháp mạnh hơn về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công để duy trì nhịp hồi phục của nền kinh tế trong năm 2023.

Thứ ba, theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới, những chính sách về tiền tệ mà các nước thực hiện tác động đến thị trường, giá cả hàng hóa trên thế giới tác động trực tiếp, gián tiếp tới sức khỏe doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro mà kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt để kịp thời tham mưu các giải pháp căn cơ về tài khoá, tiền tệ, về đầu tư, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế…

Thứ tư, rà soát, báo cáo Tổng cục triển khai giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu cho các Cục Thuế phù hợp với thực tế. 

Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, quý sát đúng với thực tế phát sinh.

Đồng thời, rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử.

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu theo chức năng.

 

"Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ đầu năm, tập trung kiểm tra các tờ khai, những lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là những doanh nghiệp được hưởng các chính sách gia hạn, miễn giảm tiền thuế để theo dõi chặt chẽ tránh tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để chiếm đoạt tiền thuế, dây dưa, nợ thuế", Tổng cục Thuế nêu rõ.

Bên cạnh đó, rà soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các quý trong năm 2023 để chủ động đôn đốc doanh nghiệp nộp sát với thực tế phát sinh của hoạt động kinh doanh.

Kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng quy định của pháp luật. 

Ngành thuế cũng sẽ xây dựng và triển khai nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, tập trung thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp được miễn, giảm thuế, doanh nghiệp có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng vốn, thương hiệu, dự án... 

Tổ chức rà soát số nợ thuế đến ngày 31/12/2022, tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14, xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2023 cho cơ quan thuế cấp dưới thực hiện.

Tập trung đôn đốc các khoản tiền thuế đã hết thời gian gia hạn để nộp vào ngân sách, tránh tình trạng người nộp thuế bị tính tiền chậm nộp tăng thêm khó khăn cho người nộp thuế...

Thứ bảy, tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. 

Đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử, quản lý hoá đơn điện tử, tiếp tục điện tử hóa đối với công tác quản lý lệ phí trước bạ, cho thuê nhà, các loại phí, lệ phí...

"Đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý đối với các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản... thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành thuế", Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Thứ tám, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách.

Tập trung triển khai đầy đủ các giải pháp của Chính phủ và Bộ Tài chính về triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ngay từ đầu năm 2023.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con