Người dân đi khám chữa bệnh chỉ cần mang căn cước công dân gắn chip
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế xác nhận người đến khám bằng căn cước công dân gắn chip. Như vậy, từ nay người dân không còn phải mang thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám, chữa bệnh...
Đây là một trong những kết quả trong lĩnh vực chuyển đổi số thực hiện đến hết quý 1/2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đến nay 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân).
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 68,5 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Với việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân, người bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần sử dụng căn cước công dân để làm thủ tục khám chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế. Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, trong quý 1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến khác.
Đó là dịch vụ công Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến, và 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng.
Đến nay, trên toàn quốc có 1.240 cơ sở khám chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với hơn 2,5 triệu dữ liệu được gửi. Có 1.647 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với trên 1,04 triệu dữ liệu được gửi. 629 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 11.087 dữ liệu được gửi.
Việc liên thông giấy khám sức khỏe lái xe qua hạ tầng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giúp người dân có thể đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe hoàn toàn trựctuyến. Trước đây, người dân buộc phải đến nơi cấp giấy phép lái xe để nộp bảngiấy của giấy khám sức khỏe lái xe.
Tương tự, việc liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của Bảo hiểm xã hội, là đầu vào giúp người dân có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông.
Đó là thủ tục Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng.
Trước đây người dân buộc phải đến Ủy ban nhân dân xã, phường để nộp bản giấy của giấy chứng sinh, giấy báo tử khi làm thủ tục Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai tử.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã chia sẻ dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế cho Bộ Y tế, để xây dựng hồ sơ sức khỏe; tiếp nhận dữ liệu bảo lưu, dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế từ Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu của ngành với các Bộ, ngành, địa phương giúp chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng quản lý, cải cách, liên thông thủ tục hành chính, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, đơn vị và doanh nghiệp.
Hiện toàn bộ các thủ tục hành chính của ngành đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Các dịch vụ công này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số, tổ chức IVAN, VNPOST...
Trong quý 1/2024, toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý hơn 4,3 triệu hồ sơ giao dịch điện tử, tương đương 29,4 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động, chiếm 87,2% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý.