Nhà đầu tư có thể đã lỗ bao nhiêu tiền khi “đu đỉnh” cổ phiếu VNZ?
Như vậy, trung bình một cổ phiếu VNZ nhà đầu tư mua sở hữu, có thể đã thua lỗ 612.000 đồng...
Sau hơn một tháng giao dịch trên sàn UpCOM, cổ phiếu VNZ của kỳ lân VNG chính thức đổ xô mọi kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một doanh nghiệp công nghệ thua lỗ nhưng giá cổ phiếu được trả cao nhất ở mức 1.562.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, bước sang phiên 16/2, VNZ quay đầu giảm và chốt phiên giao dịch 22/2 ở mức 950.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, trung bình một cổ phiếu VNZ nhà đầu tư mua sở hữu, có thể đã thua lỗ 612.000 đồng, thị giá giảm gần một nửa so với đỉnh đạt được vào ngày 15/2.
Thanh khoản của VNZ chỉ có được kể từ ngày 13/2 với khối lượng được khớp trung bình mỗi phiên khoảng 4.000 cổ phiếu. Giả thiết một nhà đầu tư sở hữu 4.000 cổ phiếu VNZ thì đã có thể thua lỗ ngay 2,4 tỷ đồng khi mua cổ phiếu VNZ.
Trong bối cảnh thị giá VNZ tăng liên tiếp vẫn neo cao ở vùng 950.000 đồng/cổ phiếu, gấp 4 lần so với phiên lên sàn đầu tiên, bà Trương Thị Thanh - Thành viên Ban Kiểm soát VNZ vừa đăng ký bán 2.000 cổ phiếu VNZ theo hình thức thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến từ 23/02-23/03/2023.
Trước giao dịch, bà Thanh nắm giữ 36.283 cổ phiếu VNZ tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,13%. Nếu chiếu theo thị giá chốt phiên giao dịch 22/2, ước tính bà Thanh có thể thu về gần 2 tỷ đồng trong trường hợp giao dịch hoàn tất, đồng thời hạ tỷ lệ nắm giữ xuống còn hơn 0,12%.
Cần lưu ý, trong quá khứ một số tổ chức đã từng lỗ rất lớn khi mua cổ phiếu VNZ (so với giá mới lên sàn). Cụ thể, năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu. Trước đó, VNG đã bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1,8 triệu đồng/cổ phiếu cho Temasek, thu về gần 662 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngay sau khi niêm yết lên sàn, ngày 10/1 vừa qua, VNZ thông qua một số nội dung cụ thể về việc chào bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty Cổ phần Công nghệ BigV với mức giá 177,8 nghìn đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 1.264 tỷ đồng. Thời gian dự kiến bán trong năm 2023, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Nếu thương vụ hoàn tất, BiGV cũng có thể ghi nhận khoản lãi kếch xù khi thị giá VNZ đang cao ở vùng ngất ngưởng trên 1,3 triệu đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 mới công bố, doanh thu thuần của CTCP VNG tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 917 tỷ đồng, tăng 19%. Tuy nhiên, các chi phí đều âm mạnh khiến cho VNG lỗ đậm 547 tỷ đồng quý 4 vừa qua, lỗ gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm gần một nửa xuống còn 28 tỷ. Chi phí tài chính giảm mạnh từ mức âm 8 tỷ đồng trong quý 4/2021 xuống âm 50 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG đều tăng mức âm so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó do chịu khoản lỗ 40 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 154 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm, VNG lỗ sau thuế kỷ lục 1.315 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ 71 tỷ đồng, lỗ ròng 858 tỷ đồng. Doanh thu đạt 7.801 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.